Cha và Con (tái bản, B80)

Tác giả:
Nhà xuất bản: Kim Đồng
Hình thức bìa: Bìa mềm
Số trang: 380
Kích thước 16x24
Cân nặng: 550 (gram)
Hết hàng
Giá bìa: 80,000 đ

Với hơn 300 trang sách, "Cha và con" khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Không gian mở rộng từ làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn, Nghệ An), kinh đô Huế, Bình Khê, Phan Thiết - nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn - nơi chàng trai Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng "muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp" và lên đường xuất dương.

Viết về một thời kỳ lịch sử còn đậm đặc chất phong kiến, nhưng nhà văn Hồ Phương chọn cách thể hiện nhanh, khá hiện đại, mang màu sắc điện ảnh.

Cha Và Con - Tiểu Thuyết Về Bác Hồ Và Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

Gia đình, tuổi thơ và đặc biệt là thời thanh niên của chàng trai Nguyễn Tất Thành cùng những tháng ngày cuối cùng bên cha- cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đây chính là quãng thời gian nhiều dấu ấn kỉ niệm và là động lực thôi thúc Nguyễn Tất Thành lên tàu tìm đường cứu nước.

Đây là tác phẩm mới của nhà văn Hồ Phương. Những nhân vật, biến cố lịch sử nổi lên trong khoảng thời gian từ 1903 cho đến 1911 như một bầu không khí đầy biến động, giông gió ảnh hưởng tới từng gia đình nhỏ của Việt Nam. Với tấm lòng của người cha, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã vừa che chở, dưỡng dục lại vừa tạo điều kiện cho các con nhập cuộc vào không khí xã hội lúc đó.

"Đã từ lâu tôi rất muốn viết một cái gì đó về Bác Hồ. Nhưng phải tới gần đây mới có đủ điều kiện để đặt bút. Tôi đã viết về Bác với tất cả tấm lòng kính trọng và yêu quý. Tôi cố gắng tìm chi mình một cái nhìn mới với những tìm tòi mới, khám phá mới dù còn nhỏ bé của mình để viết về Bác thông qua thể loại tiểu thuyết. Vâng, đây hoàn toàn không phải "truyện ký danh nhân" hoặc "tiểu sử danh nhân". Tôi hy vọng rằng tiểu thuyết sẽ mang được những rung cảm, những suy nghĩ, những tìm tòi và sáng tạo văn học của mình..." - Tác giả Hồ Phương

Vài nét về tác giả Hồ Phương


Tôi viết  “Cha và con”
Cách đây ba năm khi tôi bắt đầu khởi thảo Cha và con, một số bạn tâm giao biết đều hỏi, đại ý "Sách viết về Bác Hồ đã có nhiều rồi, viết thế nào được nữa?"
Tôi chỉ dám đáp là tôi đã muốn viết về Cụ từ rất lâu rồi, và không giấu:  Không phải chỉ qua sử sách, báo chí và văn học... mà từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tôi đã có một số lần được gặp Bác. Con người vĩ đại ấy - đúng là một Con Người vĩ đại - đã "chinh phục", đã "chiếm lĩnh tôi" ngay từ thuở tôi còn là một học sinh trung học, sau đó kháng chiến bùng nổ là một người lính chân đất...
 

Trong chiến tranh, tôi lại có dịp may mắn được gặp Ông Cụ, dù mỗi lần cũng chỉ trong chốc lát, và cũng vẫn chỉ với tư cách một chú lính... Mỗi lần may mắn được gặp Bác, tôi đều có thêm những ấn tượng hết sức tốt đẹp về Người, sâu sắc không sao quên. Bởi vậy, bây giờ tôi có viết về Bác cũng là lẽ hết sức tự nhiên, như bày tỏ một tình yêu lớn, như một sự đền đáp... Thêm nữa bây giờ đã cao tuổi, viết về chiến tranh đã nhiều, nay đã có thể viết những gì khác mà mình mong muốn hoặc đang có nhiều suy ngẫm. Không một ai yêu cầu, không một nơi nào "com-măng". Hoàn toàn tôi đã viết Cha và con  như mình đã mong muốn và chuẩn bị từ lâu. Tôi lại ngồi vào bàn, trước những trang giấy, với tâm trạng quen thuộc: hoàn toàn sung sướng và đầy mong muốn cùng hi vọng, y như khi còn trẻ. Tôi đã quên đi tất cả, để chỉ còn thấy một mình mình đang bắt đầu ngồi viết với niềm vui và mọi lo toan, hi vọng... Tôi thật sự quên đi tất cả mọi khó khăn kể cả câu nệ trong sáng tác như: sợ trùng lặp với những ai đã viết về đề tài mà mình đang nung nấu... Tóm lại, với tôi mọi việc có thể coi như đã chín muồi và sẵn sàng... Và tôi đã chọn thể loại tiểu thuyết. Thật vậy, đó là thể loại mà tôi tin là có thể "vẫy vùng" được hơn cả. Tôi đã từng được đọc tác phẩm của Bi-ê-lin-xki. "Tiểu thuyết là sự khái quát nhất về dạng thức tự sự, trần thuật, nó tập trung cao độ vào số phận nhân vật trong quá trình hình thành và phát triển... Và sự trần thuật ở đây được triển khai tuyệt đối trong không gian, thời gian của nghệ thuật". Mà nghệ thuật là phải có sáng tạo, là không phải "cứ có gì nói thế", là "sao chép máy móc". Nó, nghệ thuật, có thể tạo nên sự thật đáng tin và say đắm, quyến rũ nhất. Nhiều tác phẩm hay trên thế giới này đã chứng minh như thế từ bao thế kỷ qua...
 

Vì thế, tôi đã viết với niềm say mê và lòng tự tin... Tôi đã cố gắng nắm lấy những quy tắc của tiểu thuyết đương đại, và rất chú ý tới điều mà nhiều người gần đây, mà Ba-khơ-tin (nhà lí luận văn học có tiếng của nước Nga) đã có nói tới, đại ý: Khoảng cách sử thi, có thể tạm hiểu đó là cái không thể hồ nghi, không thể vượt qua và thu hẹp. Ðó là mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại mà không khéo thì danh nhân sẽ đi vào tác phẩm y như một thần tượng, không phải nhân vật của tiểu thuyết nữa. Cái "khoảng cách sử thi" ấy dễ làm cho tác giả không dám biến họ thành nhân vật của mình, mà luôn luôn là một thần tượng siêu nhân. Ðể vượt qua cái gọi là "khoảng cách sử thi" ấy, điều mà các tác giả cần là phải dám nâng cao sức tưởng tượng trên hiện thực đã có, như bay lên từ mặt đất vững bền (chứ không phải từ chân không). Do đó tác giả phải biết nâng tư liệu lịch sử lên thành tư liệu của tiểu thuyết có hồn sống... Ðiều này có thể làm được: vì những mảnh vụn lịch sử (hoặc mảnh vụn đời sống và hoạt động của danh nhân) không phải khi nào cũng hoàn toàn đầy đủ hoặc thật chính xác và dễ kiểm chứng. Nhưng đấy lại là những trường hợp, cơ may rất quyến rũ, đã góp phần thúc đẩy trí tưởng tượng của các tác giả. Cái sự không chắc hoàn toàn chính xác và dễ kiểm chứng ấy đã là những điểm bấu víu để cho nghệ thuật sáng tạo phát triển... Có người đã nói: những trường hợp như thế này thường có, và đã tạo cho các tác giả vai trò tựa như đã "sáng tạo ra cả thế giới"... Như vậy, tuy nhiên phải đợi tới khi được đọc tác phẩm của Ba-khơ-tin, mà từ lâu nhiều cây bút của chúng ta cũng đã được thực tế sáng tác mách bảo cho như thế.
 

Còn một điều nữa là trong cuộc sống, chúng ta nếu chịu chiêm nghiệm sẽ thấy: Con người không phải lúc nào cũng biểu hiện sự suy nghĩ hoặc hành động hoàn toàn khớp với bản chất của chính mình. Ðó là một sự thật, dù đó là một vĩ nhân hay kẻ bình dân. Có khi là do nguyên nhân cụ thể này, lí do cụ thể kia, hoặc hoàn cảnh nọ, nhưng cũng có khi chẳng có lí do gì cụ thể hết, mà con người này, con người kia có khi đã nghĩ hoặc đã hành động một cách hoàn toàn khác với trí tuệ và năng lực của mình vốn đã quen thuộc hằng ngày. Ðiều này, người ta thường nói vui là "Do Thượng đế bất chợt bảo làm thế, nghĩ thế". Tuy nhiên, với các nhà tâm lí hoặc nhân sinh học đã coi đó là những giây phút sống đích thực của cái mà ta vẫn gọi là bản ngã của con người. Mà trong văn học, bản ngã là điều không thể thiếu sự soi rọi tới. Có lẽ vì thế, từ xa xưa đã có một câu cách ngôn nào đó: "Vĩ nhân trước hết vẫn phải là con người".
 

Như thế đấy, tôi đã viết về Bác với tất cả niềm vô cùng tin yêu, tôn quý, viết với tất cả sự hiểu biết, cùng sự nghiêm túc của bản thân. Nhưng dẫu sao, cũng không khỏi thầm lo: lo không thể hiện được hoàn toàn đúng Con Người mà cả thế giới này đều ngưỡng mộ và kính trọng.
 

Còn một điều nữa tôi muốn được nói tới: Ðó là vai trò cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác. Thật vậy, tôi đánh giá rất cao vai trò của Cụ trong việc hình thành tính cách và cả ý chí cùng tài năng từ thuở ấu thơ của cậu con trai thứ hai mà cụ thầm vô cùng tin yêu ấy. Cụ đã hết lòng truyền dạy cho anh Côn môn Hán văn mà Cụ là một trong "tứ hổ" đất Nghệ - Tĩnh thời ấy. Cũng qua những cuộc tiếp xúc bạn bè, Cụ đã rất muốn làm cho Côn từ tấm bé đã vỡ vạc dần và thấm dần được tư tưởng yêu nước thương nòi của các cụ... Thật vậy, chỉ riêng việc Cụ hay giao du, tâm sự cùng với các sĩ phu, chia sẻ mọi nỗi chua chát, cay đắng của thân phận dân nô lệ... đã sớm tác động tới Côn rất nhiều. Côn thường được cha cho phép đứng "hầu" trà nước trong các buổi gặp gỡ bạn bè ấy nên mặc nhiên, cậu đã được nghe hết mọi tâm sự, mọi điều về thế sự... Tất cả những điều quan trọng ấy đã tự nhiên lọt vào tai và in sâu mãi vào bộ não cực kì thông minh và sáng tạo của cậu. Thật vậy, Côn sớm có được lòng yêu nước, thương nòi, chính là từ khi còn nhỏ bởi người cha đáng kính ấy.
Tôi đã rất chú ý tới điều này trong cuốn sách tôi viết với sự xúc động lớn lao trước tấm tình của hai cha con. Bởi vậy cuốn sách mang tên "Cha và con"...
 

Nay “Cha và con” đã ra đời, đã được vừa nối bản, vừa tái bản tới ba lần. Cuốn sách vẫn "đứng" được giữa "muôn trùng" sách. Vâng, Cha và con vẫn đứng được, tự thân. Cho tới hôm nay, tôi thi thoảng vẫn nhận được những lá thư hoặc điện thoại của bè bạn xa gần động viên viết tiếp về Bác…
Hà Nội, tháng 5.2010
HỒ PHƯƠNG

Những lời khen tặng cho cuốn sách:

…Tôi luôn luôn nghĩ rằng trong gia đình đặc biệt ấy, tình phụ tử cũng thể hiện rất đặc biệt. Chính vì thế mà tôi đã rất xúc động khi viết đến cảnh chàng thanh niên lên Bình Khê để từ giã cha mình, dấn thân vào một cuộc ra đi không hẹn ngày về. Thật ra, không chỉ là cuộc chia tay của cụ Phó Bảng với cậu Côn, mà cả những cuộc chia tay với cô Thanh, cậu Khiêm, tôi cũng luôn luôn viết với một tâm thế: “Giá như họ biết được đây là cuộc chia tay cuối cùng”. - Nhà văn Hồ Phương (Trả lời báo Tuổi trẻ, ngày 30.8.2007)

Viết về một thời kì lịch sử còn đậm đặc chất phong kiến, nhưng nhà văn Hồ Phương chọn cách thể hiện nhanh, khá hiện đại, mang màu sắc điện ảnh. - V.Hoài (Báo Tuổi trẻ)

Cuốn tiểu thuyết không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn trở thành một cách nhìn mới, cái nhìn về gốc rễ đã tạo nên một Hồ Chí Minh vĩ đại cho đến tận ngày nay và mai sau. - Tường Vi (Báo Sài Gòn giải phóng)

Mời các bạn tìm đọc!


 

Xem Thêm Nội Dung