Combo: Giải Mã Kỳ Môn + Tập đại thành 1080 cách cục Kỳ Môn

Combo: Giải Mã Kỳ Môn + Tập đại thành 1080 cách cục Kỳ Môn

Hình thức bìa: Bìa cứng
Số trang: 630
Kích thước 14x20
Cân nặng: 1,800 (gram)
Năm xuất bản: 2022
Đang có hàng
Giá bán: 471,750 đ
Giá bìa: 555,000 đ
Tiết kiệm:15%(83,250 đ)

GIẢI MÃ KỲ MÔN ĐỘN GIÁP

 

LỜI NÓI ĐẦU   

 

            “Tam thức” là tên gọi chung để chỉ ba môn thuật số: “Kỳ môn”, “Thái ất” và “Lục nhâm”. Thuyết xưa cho rằng đây là ba môn “tuyệt học”, có thể “đoạt thiên địa tạo hóa”, nghĩa là có thể chỉ đạo người đời nắm vững quy luật của tự nhiên, vận dụng các yếu tố về thời gian, không gian, làm cho nó phát huy hết sức mạnh vô hình, tạo phúc cho thiên hạ.

            Xét về nguồn gốc cả ba bộ môn trên đều bắt nguồn và có mối liên hệ mật thiết với “Kinh dịch”, nội dung mà cả ba môn đều chứa đựng khá đầy đủ tri thức về mọi mặt như: thiên văn, địa lý, toán học, binh pháp, lịch pháp, dân tục .v..v.. Nếu như “Lục nhâm” được các nhà thuật số học gọi là “Tam thức chi tối” tức môn học đứng đầu trong Tam thức; “Thái ất” được suy tôn là đạo học “Phò tá Quân Vương”; thì “Kỳ môn” được gọi là: “Cái học thuật của các bậc Đế Vương”. Trong phạm vi cuốn “Giải mã Kỳ môn Độn giáp” này xin độc giả cho phép chúng tôi đi sâu hơn vào thuật số “Kỳ môn Độn giáp”.

            “Theo sử liệu Trung Hoa ghi chép thì Kỳ môn Độn giáp thành sách vào thời Chu,  tức là trong khoảng thời gian từ (1046 TCN) đến  (256 TCN). Về sau kinh qua các nhà quân sự, các chính trị gia, các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo chỉnh lý và bổ sung mới có thể trở thành một học thuyết”. (Trích từ cuốn:“Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” của tác giả Bạch Huyết, tại trang 119, sách do nhà xuất bản Văn hóa ấn hành năm 2001).

            Tuy nhiên trong cuốn “Kim hàm Ngọc kinh Kỳ môn Độn giáp” của tác giả Lưu Bá Ôn, (tại trang 16, sách do nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2013). Các nhà thuật số Trung Hoa đã vô tình thừa nhận: “Người ta thường cho rằng Kỳ môn Niên gia thường lấy năm Giáp Tý thời Hoàng Đế hiệu Hùng Thị tại vị (năm - 2679 TCN) làm khởi đầu của Thượng nguyên Kỳ môn Độn giáp để suy đoán”. Như vậy có thể khẳng định rằng: Tổ tiên Việt của chúng ta mới chính là chủ nhân của “Tam thức” và đã sớm sử dụng thuật số “Kỳ môn Độn giáp” thức trước người Trung Hoa khoảng thời gian dài đến hơn cả ngàn năm. Ngoài ra chúng ta lại có thêm căn cứ để khẳng định rõ hơn về Triều đại Hùng Vương (Hoàng Đế hiệu Hùng Thị) là hoàn toàn có thật. Nhận thức đó của chúng tôi không ngoài mục đích tìm hiểu sâu sắc thêm về nguồn gốc và chân giá trị đích thực của thuật số “Kỳ môn”.  

            Thuật số “Kỳ môn” xưa được vận dụng khá triệt để trong lãnh vực quân sự. Ngoài ra cũng có thể vận dụng để chiêm đoán cho một số nội dung khác nữa. Như chiêm đoán vận mệnh, thi cử, cầu tài, quan lộc, xuất hành đi xa, thời tiết mưa nắng v.v… Mục đích chính hướng đến của “Kỳ môn” là phương pháp sáng tạo thời cơ có lợi, khống chế phương vị bất lợi để đạt được mục đích thành công. Người ta cho rằng: “Cơ hội không thể mất, thời gian không thể quay trở lại”. Sự cố gắng của thuật “Kỳ môn” tức là ở chỗ không để cơ hội bị mất. Bởi vậy mà nhiều ngàn năm qua, “Kỳ môn” được lưu truyền không dứt, nó được gắn liền với những câu truyện truyền thuyết về những “Bát quái trận đồ” thắng địch, thần diệu và bí ẩn. Có thể nói đó chính là sự biểu hiện khát vọng chiến thắng và sự minh chứng khả năng vận dụng thỏa đáng yếu tố không gian và thời gian của thuật số “Kỳ môn” xưa.

            Sách viết về “Kỳ môn Độn giáp” từ xưa và đến nay in ấn ở ta không nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngoài mấy cuốn như “Giải nghĩa triết học phương Đông Kỳ môn Độn giáp” của Nguyễn Mạnh Bảo, sách do nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2006. Cuốn: “Kim hàm ngọc kinh Kỳ môn Độn giáp” của Lưu Bá Ôn, sách do nhà xuất Thời đại ấn hành năm 2013. Và cuốn “Tìm hiểu về văn hóa phương Đông Kỳ môn Độn giáp” của tác giả Đàm Liên, do nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2010, thì khó có thể tìm thêm được cuốn nào khác. Ngoài ra nội dung các cuốn sách kể trên thấy rất khó có thể gợi mở để độc giả ham hiểu biết muốn khám phá, tìm tòi nội dung cốt lõi của môn thuật số này được thấu triệt.

            Với mong muốn để các độc giả có thêm tài liệu nghiên cứu sâu hơn về bộ môn thuật số “Kỳ môn Độn giáp”. Môn thuật số được các học giả nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa phương Đông và các nhà thuật số học gọi là “Cái học thuật của các bậc Đế Vương”. Sau nhiều năm khảo cứu và biên soạn, chúng tôi quyết định viết thành cuốn: “Giải mã Kỳ môn Độn giáp” gửi đến độc giả, để cùng nhau trao đổi và chia sẻ những tri thức quý báu của Tiền nhân Bách Việt xưa, cùng nhau kế thừa và phát huy giá trị đặc sắc văn hóa của dân tộc. Mặt khác chúng tôi cho rằng tri thức của Tiền nhân ngoài giá trị to lớn về văn hóa, ở phương diện nhất định nào đó vẫn mang tính thực dụng khá hiệu quả. Hơn thế việc giữ gìn và phát huy những giá trị to lớn bản sắc văn hóa dân tộc Việt cũng chính là nhiệm vụ của mỗi người trong chúng ta.

            Do kiến thức hạn hẹp, trong quá trình biên soạn khó có thể tránh khỏi những hạn chế và xảy ra sai sót ở phương diện nào đó. Rất mong được các quý độc giả mở lòng lượng thứ cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn !

                                                                        Hà Nội. Ngày 30 tháng 2 năm 2019.

                                                                                                Tác giả: Nguyễn Vân Liên

Xem Thêm Nội Dung