Hành trình của linh hồn - nghiên cứu điển hình về cuộc sống giữa các kiếp

Hành trình của linh hồn - nghiên cứu điển hình về cuộc sống giữa các kiếp

Tác giả:
Nhà xuất bản: Văn Hóa Dân Tộc
Nhà phát hành: Thái hà
Hình thức bìa: mềm
Số trang: 425
Kích thước 15.5 x 24 cm
Cân nặng: 620 (gram)
Hết hàng
Giá bìa: 99,000 đ

SÁCH PHÁT HÀNH 26/01/2016 TẠI GIADINHBOOK.COM.VN - GIAO HÀNG THU TIỀN TRÊN TOÀN QUỐC - ĐẶT ONLINE ĐỂ ĐƯỢC GIAO SÁCH

Bạn có sợ chết không? Bạn có tự hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết không? Có thể nào bạn có một linh hồn đến từ đâu đó và sẽ trở về đó sau khi thân xác bạn chết đi, hay đó chỉ là một điều ước ao vì bạn quá sợ hãi?

 

Có một nghịch lý rằng con người, duy nhất trong mọi tạo vật trên Trái đất, phải kìm nén nỗi sợ cái chết để sống bình thường. Nhưng bản năng sinh học của chúng ta không bao giờ cho chúng ta quên nỗi nguy hiểm tối cao này của sự tồn tại của chúng ta. Khi chúng ta già đi, bóng ma của cái chết cũng lớn dần lên trong tâm trí chúng ta. Thậm chí cả những người theo tôn giáo cũng sợ cái chết là sự kết thúc của mỗi cá nhân. Nỗi sợ lớn nhất đối với cái chết đem đến những suy nghĩ về sự vô nghĩa của cái chết, điều kết thúc mọi mối liên hệ với gia đình và bạn bè. Cái chết làm cho mọi mục đích thực tiễn của chúng ta trở nên phù phiếm.

 

Nếu cái chết là sự kết thúc mọi điều của chúng ta thì cuộc sống quả thật thực là vô nghĩa. Tuy nhiên, một sức mạnh nào đó trong chúng ta cho phép con người suy tưởng về sự tiếp tục sau đó và cảm nhận được mối liên hệ với một thế lực cao hơn và thậm chí là linh hồn bất tử. Nếu chúng ta thật sự có linh hồn thì nó sẽ đi về đâu sau khi chúng ta chết? Có thực sự có một loại thiên đường chứa đầy những linh hồn thông thái ở bên ngoài thế giới vật lý của chúng ta? Nó trông ra sao? Chúng ta sẽ làm gì khi tới được đó? Có một thực thể tối cao chịu trách nhiệm về thiên đường đó? Những câu hỏi này xưa như chính loài người và vẫn là một bí ẩn với đa số chúng ta.

Những câu trả lời đích thực cho đời sống sau cái chết vẫn được đóng kín sau cánh cửa tâm linh đối với đa số mọi người. Đó là bởi vì ở trong chúng ta vốn sẵn có khả năng quên đi danh tính của linh hồn chúng ta, điều mà ở mức độ nhận thức, sẽ giúp cho sự hợp nhất của linh hồn và bộ não con người. Những năm gần đây, công chúng đã được nghe về những người chết tạm thời và sau đó sống lại nói về một đường hầm dài, ánh sáng rực rỡ và thậm chí những gặp gỡ ngắn ngủi với những linh hồn thân thiện. Nhưng không có một ấn phẩm nào trong số các cuốn sách đã được viết mang đến cho người đọc nhiều hơn một cái nhìn thoáng qua về tất cả những gì cần biết về cuộc đời sau cái chết.

Cuốn sách này là một cuốn nhật ký gần gũi về thế giới linh hồn. Nó trình bày một loạt các trường hợp thể hiện chi tiết, rõ ràng về những gì xảy ra cho chúng ta khi cuộc sống trên Trái đất kết thúc. Bạn sẽ được dẫn qua đường hầm tâm linh để đến với chính thế giới linh hồn để tìm hiểu về những biến đổi đối với linh hồn trước khi chúng cuối cùng trở lại trên Trái đất trong một cuộc sống mới.

Tôi là một người bản chất hay nghi ngờ, mặc dù nếu xét theo nội dung cuốn sách này thì không có vẻ như vậy. Là một cố vấn và là nhà thôi miên, tôi chuyên nghiên cứu về sự thay đổi cách cư xử để điều trị những rối loạn tâm lý. Một phần lớn trong công việc của tôi bao gồm tái cấu trúc nhận thức ngắn hạn với các bệnh nhân bằng cách giúp họ kết nối những suy nghĩ và cảm xúcđể khuyến khích những hành vi lành mạnh. Chúng tôi cùng nhau khơi gợi những ý nghĩa, chức năng và kết quả của những niềm tin của họ vì tôi tin rằng không có một vấn đề tâm lý nào là tưởng tượng.

Trong những ngày đầu mới hành nghề, tôi phản đối những đề nghị đi về kiếp trước của mọi người vì khuynh hướng truyền thống của tôi trong phương pháp điều trị. Trong khi tôi sử dụng các kỹ thuật thôi miên và khôi phục ký ức quá khứ để xác định nguồn gốc của các ký ức khó chịu và những tổn thương của tuổi thơ, tôi có cảm giác mọi cố gắng để đạt đến kiếp trước là không chính thống và không lâm sàng. Sự quan tâm của tôi đối với sự tái sinh và siêu hình học chỉ là sự tò mò lý trí cho đến khi tôi làm việc với một thanh niên trẻ về điều khiển nỗi đau.

Bệnh nhân này than phiền về cảm giác đau đớn kinh niên suốt đời ở phía bên phải. Một trong những công cụ của điều trị bằng thôi miên để điều khiển nỗi đau là hướng dẫn đối tượng làm cho nỗi đau tệ hơn để người đó có thể học cách làm giảm nỗi đau và đạt được kiểm soát. Trong một trong những lần chữa trị có sử dụng cách làm tăng nỗi đau, thanh niên này sử dụng cách tưởng tượng bị đâm để tạo ra sự hành hạ của anh ta. Tìm kiếm nguồn gốc của tưởng tượng này, tôi cuối cùng phát hiện ra kiếp trước anh ta là một người lính trong Thế chiến I và bị giết chết bởi một lưỡi lê ở Pháp, và chúng tôi đã hoàn toàn chiến thắng nỗi đau.

Với sự cổ vũ từ các bệnh nhân tôi, bắt đầu thử nghiệm đưa một số trong số họ đi xa hơn vào thời kỳ trước khi họ tái sinh lần gần nhất trên Trái đất. Ban đầu tôi lo ngại rằng sự nhất quán của nhu cầu hiện tại, niềm tin và sự sợ hãi có thể tạo ra những tưởng tượng rằng điều đó được nhớ lại. Tuy nhiên không lâu sau tôi nhận ra ký ức sâu sắc của chúng ta đưa ra một loạt những trải nghiệm quá khứ quá thực và quá liên quan để có thể bỏ qua. Tôi dần dần thực sự nhìn nhận rõ mối quan hệ giữa các thân xác cùng các sự kiện trong các kiếp quá khứ với con người chúng ta hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong điều trị đến thế nào.

Sau đó tôi khám phá ra một phần quan trọng nữa. Tôi tìm ra rằng có thể nhìn vào thế giới linh hồn qua cặp mắt tâm trí của đối tượng bị thôi miên, người có thể thuật lại cho tôi về cuộc đời giữa các kiếp trên Trái đất.

Trường hợp mở cánh cửa vào thế giới linh hồn cho tôi là một phụ nữ trung niên, một đối tượng bị thôi miên rất nhạy bén. Bà vẫn luôn nói với tôi về cảm giác cô đơn và xa cách của mình trong giai đoạn tinh tế khi bà kết thúc việc nhớ lại cuộc đời gần nhất. Nhân vật đặc biệt này gần như tự mình đi vào trạng thái biến đổi ý thức cao nhất. Không nhận ra rằng tôi đã đưa ra mệnh lệnh quá ngắn gọn cho hành động này, tôi đề nghị bà đi tới nguồn gốc của sự mất mát cảm giác được bầu bạn của bà. Ngay khi đó, tôi vô tình sử dụng một trong các từ kích thích ký ức tâm linh. Tôi cũng hỏi bà có nhóm bạn đặc biệt nào mà bà nhớ tiếc không.

Bệnh nhân của tôi bất ngờ bật khóc. Khi tôi hướng dẫn bà trả lời tôi xem có gì không phải, bà bật ra: “Tôi nhớ một số những người bạn trong nhóm và vì thế tôi cảm thấy thật cô đơn trên Trái đất.” Tôi lúng túng và hỏi bà tiếp tục nhóm những người bạn này thực ra ở đâu. “Ở đây, ở ngôi nhà vĩnh cửu của tôi” bà trả lời đơn giản, “và tôi đang nhìn thấy tất cả bọn họ ngay lúc này!”

 

Sau khi kết thúc với bệnh nhân này và xem lại các băng ghi âm của bà, tôi nhận ra rằng việc tìm thấy thế giới linh hồn liên quan đến sự mở rộng hơn của quá trình nhớ lại kiếp trước. Có nhiều cuốn sách viết về các kiếp đã qua, nhưng tôi không tìm được cuốn sách nào nói về cuộc đời của chúng ta dưới dạng linh hồn, hoặc làm cách nào để tiếp cận một cách đúng đắn những hồi ức tâm linh của mọi người. Tôi quyết định tự mình nghiên cứu và với thực tế, tôi dần có được những kỹ năng rộng lớn hơn trong việc đi vào thế giới linh hồn thông qua các đối tượng của mình.

Tôi cũng nhận thấy rằng đối với mọi người, tìm được vị trí của họ trong thế giới linh hồn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với việc nhớ lại các kiếp trước.

Làm sao có thể chạm được đến linh hồn thông qua thôi miên? Hãy hình dung tâm trí chúng ta có ba lớp vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng nhỏ hơn vòng kế tiếp và nằm trong vòng kế tiếp, ngăn cách với nhau chỉ bởi các lớp liên kết tâm trí-ý thức. Lớp ngoài cùng được đặc trưng bởi tâm ý thức, là nguồn gốc cho các phân tích, phê bình. Lớp thứ hai là tiềm thức, nơi chúng ta đi vào thôi miên để xâm nhập vào bộ nhớ của tất cả những ký ức về những gì đã xảy ra cho chúng ta ở cuộc đời này và những kiếp trước. Lớp thứ ba, lớp cốt lõi sâu kín nhất, là những gì chúng ta gọi là siêu tâm thức. Mức độ này thể hiện trung tâm cao nhất của Bản ngã, nơi chúng ta là biểu hiện của một thế lực cao hơn.

 

Siêu tâm thức chứa đựng danh tính thực của chúng ta, được nâng lên bởi tiềm thức, nơi chứa đựng những ký ức của những bản ngã đã bị biến đổi trong chúng ta trong những thân xác con người đã qua. Siêu ý thức có thể hoàn toàn không phải là một mức độ, mà là chính linh hồn. Tâm trí siêu ý thức là trung tâm cao nhất của sự thông thái và triển vọng của chúng ta, và tất cả các thông tin về cuộc đời sau cái chết của tôi xuất hiện từ nguồn năng lượng trí năng này.

Thôi miên có giá trị như thế nào trong việc tìm kiếm sự thật? Con người trong trạng thái bị thôi miên không mơ ngủ, cũng như không bị ảo giác. Chúng ta không mơ trong chuỗi thứ tự thời gian cũng như không bị ảo giác trong trạng thái bị thôi miên. Khi đối tượng được đặt vào trạng thái bị thôi miên, sóng não của họ chậm dần từ trạng thái tỉnh thức Bêta và tiếp tục thay đổi các rung động qua trạng thái thiền định Alfa để đi vào một số mức độ khác nhau trong khoảng Thêta. Thêta là thôi miên – không phải ngủ. Khi ngủ, chúng ta đi đến trạng thái Delta cuối cùng, nơi các thông tin từ não bị rơi vào tiềm thức và đi sang các giấc mơ của chúng ta. Trong trạng thái Thêta, tâm trí ý thức không phải là không tỉnh thức nên chúng ta có thể tiếp nhận cũng như gửi đi những thông tin với toàn bộ các kênh của bộ nhớ mở rộng.

Một khi ở trạng thái bị thôi miên, mọi người kể lại các hình ảnh mà họ nhìn thấy và các đối thoại mà họ nghe trong tâm trí không thức tỉnh của họ giống như những quan sát nguyên bản. Khi trả lời câu hỏi, các đối tượng không thể nói dối, nhưng họ có thể giải thích nhầm một số điều được thấy trong vô thức, cũng như chúng ta vẫn làm trong trạng thái tỉnh táo. Trong thôi miên, con người khó có thể kể lại bất cứ điều gì mà họ không tin.

Một số người phê phán thôi miên tin rằng, một đối tượng ở trạng thái bị thôi miên sẽ tự tạo ra những ký ức và làm sai lệch những câu trả lời của họ để chọn lựa bất kỳ một khuôn khổ lý thuyết nào mà người thôi miên gợi ý. Tôi nhận thấy sự tổng quát hóa này là sai lầm. Trong công việc của mình, tôi đề xử sự với mỗi trường hợp như tôi nghe được thông tin lần đầu tiên. Nếu đối tượng bằng cách nào đó vượt qua được phương thức thôi miên và tự xây dựng những tưởng tượng tự do về thế giới linh hồn, hoặc gắn kết trước với những ý tưởng có sẵn về cuộc đời sau cái chết của họ thì những câu trả lời sẽ sớm trở nên không phù hợp với những câu chuyện của các trường hợp khác. Tôi đã biết được giá trị của đối chất từ rất sớm trong công việc của mình và tôi không tìm thấy bằng chứng nào về việc bất cứ ai giả dối những kinh nghiệm tinh thần của mình để làm vừa lòng tôi. Thực tế là các đối tượng bị thôi miên không ngần ngại sửa lại những khi tôi giải thích sai các phát biểu của họ.

Khi những ghi chép về các trường hợp của tôi nhiều thêm, bằng phương pháp thử và sai, tôi tìm ra cách sắp xếp những câu hỏi về thế giới linh hồn theo thứ tự hợp lý hơn. Các đối tượng ở trạng thái siêu ý thức không thực sự bị thúc đẩy chia sẻ những thông tin về toàn bộ kế hoạch cuộc đời linh hồn trong thế giới linh hồn. Mỗi người phải có một bộ chìa khóa thích hợp cho những cánh cửa đặc biệt. Cuối cùng tôi đã có thể hoàn thiện một phương pháp đáng tin cậy để tiếp cận với ký ức ở những phần khác nhau của thế giới linh hồn bằng cách biết rõ phải mở cánh cửa nào ở thời điểm thích hợp trong liệu trình.

 

Khi tôi tự tin hơn với mỗi liệu trình, có thêm nhiều người cảm thấy tôi thoải mái với cuộc đời sau cái chết và cảm thấy có thể nói với tôi về điều đó. Các bệnh nhân trong những trường hợp của tôi có một số người rất sùng tín, trong khi những người khác hoàn toàn không có một niềm tin tâm linh cụ thể nào. Đa số họ là những người ở giữa, với một hành trang phức tạp của những triết lý cá nhân về cuộc sống. Điều đáng ngạc nhiên tôi phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu là một khi các đối tượng được hoàn nguyên về trạng thái linh hồn của họ, họ thể hiện một sự thống nhất đáng ngạc nhiên khi trả lời những câu hỏi về thế giới linh hồn. Họ thậm chí sử dụng cùng những từ ngữ và các miêu tả hình ảnh trong ngôn ngữ thông thường khi nói về các cuộc đời linh hồn của họ.

Cuối cùng tôi cần nói rằng những gì bạn sắp đọc có thể là một cú sốc cho quan niệm của bạn về cái chết. Những nội dung được trình bày ở đây có thể đi ngược lại những niềm tin triết học và tôn giáo của bạn. Có những độc giả sẽ tìm thấy sự củng cố cho những quan niệm hiện hữu của họ. Đối với những người khác, các thông tin được đưa ra trong những trường hợp điển hình này có vẻ như những câu chuyện hư cấu có tính chủ quan, gợi nhớ đến những câu chuyện khoa học viễn tưởng. Dù niềm tin của bạn ra sao tôi cũng hy vọng bạn sẽ suy nghĩ về hàm ý dành cho nhân loại nếu những gì các đối tượng của tôi nói về cuộc sống sau cái chết là chính xác.

Mục lục:

Lời giới thiệu

Chương Một Cái chết và sự ra đi

Chương Hai Cánh của vào Thế giới linh hồn

Chương Ba Trở về nhà

Chương Bốn Linh hồn được thay thế

Chương Năm Định hướng

Chương Sáu Chuyển tiếp

Chương bảy Sự thay thế

Chương Tám Những người hướng dẫn của chúng ta

Chương Chín Linh hồn mới bắt đầu

Chương Mười Linh hồn bậc trung

Chương Mười MộtLinh hồn cao cấp

Chương Mười Hai Chọn lựa cuộc đời

Chương Mười Ba Chọn lựa cơ thể mới

Chương Mười Bốn Chuẩn bị cho sự khởi đầu

Chương Mười lăm Tái sinh

Kết luận

Giới thiệu tác giả

Michael Duff Newton

Michael Duff Newton giữ học vị tiến sĩ về cố vấn tâm lý, là nhà thôi miên có bằng cấp và là thành viên của Hiệp hội Cố vấn Mỹ. Ông là giảng viên trong các trường đại học, đồng thời hành nghề tư tại Los Angeles. Tiến sĩ Newton phát triển kỹ thuật khôi phục lại ký ức quá khứ để có thể đưa các đối tượng bị thôi miên vượt qua các ký ức của kiếp trước một cách có hiệu quả để đến với các trải nghiệm có ý nghĩa hơn giữa các kiếp của linh hồn. Tác giả được coi là người đi tiên phong trong việc khám phá các bí mật về cuộc sống của chúng ta ở thế giới linh hồn, lần đầu tiên được thuật lại trong cuốn sách bán chạy nhất này.

TRÍCH ĐOẠN NỘI DUNG SÁCH HAY

 

Cái chết và sự ra đi

 

Trường hợp 1

 

ĐT. (Đối tượng): Ôi, Chúa ơi! Tôi không thực sự chết chứ? Ý tôi là, cơ thể tôi đã chết – tôi nhìn thấy nó ở bên dưới kia – nhưng tôi đang trôi bồng bềnh … tôi có thể nhìn xuống và thấy cơ thể tôi nằm bẹp dí trên giường bệnh. Mọi người quanh nghĩ rằng tôi đã chết, nhưng tôi không chết. Tôi muốn hét lên ê này, tôi không chết! Điều đó thật không thể tin được… các cô y tá kéo khăn trải giường che đầu tôi… mọi người tôi biết thì khóc lóc. Tôi đáng lẽ phải chết, nhưng tôi vẫn sống! Điều đó thật lạ lùng vì cơ thể tôi hoàn toàn chết trong khi tôi vẫn đang lượn vòng bên trên. Tôi còn sống mà!

 

Đây là lời của một người đàn ông trong trạng thái bị thôi miên sâu đang sống lại kinh nghiệm về cái chết. Lời của ông ta thốt lên ngắn gọn, hồi hộp và đầy hoảng sợ khi ông ta nhìn thấy và biết đến cảm giác khi là một linh hồn vừa rời khỏi thể xác vật lý. Người đàn ông này là bệnh nhân của tôi và tôi vừa mới giúp ông ta tái tạo lại khung cảnh cái chết trong kiếp trước trong khi ông ta nằm trên một chiếc ghế tựa thoải mái. Ít phút trước, theo hướng dẫn của tôi trong thời gian bắt đầu làm quen với trạng thái bị thôi miên của ông ta, đối tượng này đã được đưa trở về những ký ức thời thơ ấu. Những cảm nhận tiềm thức của ông ta từ từ kết hợp làm một khi chúng tôi cùng nhau hướng tới tử cung của mẹ ông.

 

Sau đó, tôi chuẩn bị cho ông ta thực hiện một bước nhảy trong ký ức mờ mịt của thời gian bằng cách sử dụng phương pháp hình dung một tấm chắn bảo vệ. Sau khi chúng tôi kết thúc bước quan trọng trong việc điều chỉnh tinh thần này, tôi đưa đối tượng của mình đi qua đường hầm thời gian tưởng tượng đến kiếp sống gần đây nhất của ông ta trên Trái đất. Đó là một cuộc đời ngắn ngủi vì ông ta chết đột ngột do dịch cúm năm 1918.

 

Khi cú sốc ban đầu của việc nhìn thấy mình chết đi và cảm nhận linh hồn trôi bồng bềnh ra khỏi cơ thể đã qua đi phần nào, bệnh nhân của tôi sẵn sàng thích ứng hơn với những hình ảnh nhìn thấy trong tâm trí ông ta. Vì một phần nhỏ của lý trí, phần cơ bản của tâm trí ông vẫn còn hoạt động, ông ta nhận ra rằng mình đang tái tạo lại một kinh nghiệm của quá khứ. Điều này đòi hỏi một thời gian dài hơn bình thường vì đối tượng này là một linh hồn non trẻ và chưa quen với các chu trình của sự sinh ra, chết đi và tái sinh như nhiều bệnh nhân khác của tôi.

 

Tuy vậy, sau một lúc, ông ta ổn định lại và bắt đầu trả lời những câu hỏi của tôi tự tin hơn. Tôi nhanh chóng nâng mức độ thôi miên tiềm thức của đối tượng lên trạng thái siêu ý thức. Bây giờ ông ta đã sẵn sàng nói với tôi về thế giới linh hồn và tôi hỏi ông ta điều gì đang xảy ra với ông.

 

ĐT: Vâng… Tôi lên cao hơn… vẫn trôi bồng bềnh… nhìn lại cơ thể mình. Nó giống như xem một bộ phim, chỉ có điều tôi ở trong đó! Viên bác sĩ an ủi vợ và con gái tôi. Vợ tôi nức nở (đối tượng vặn vẹo một cách không thoải mái trên ghế). Tôi cố gắng chạm tới tâm trí của cô ấy… để nói với cô ấy là mọi việc đối với tôi đều ổn. Cô ấy đau khổ đến mức tôi không chạm tới được. Tôi muốn cô ấy biết những chịu đựng đau đớn của tôi đã chấm dứt… tôi đã thoát khỏi thân xác của mình… tôi không cần đến nó nữa… rằng tôi sẽ chờ cô ấy. Tôi muốn cô ấy biết điều đó… nhưng cô ấy… không nghe thấy tôi. Ôi, bây giờ tôi đang đi khỏi…

 

Và cứ thế, với một loạt những mệnh lệnh, bệnh nhân của tôi bắt đầu quá trình tiến sâu hơn vào thế giới linh hồn. Đó là con đường nhiều người đã du hành qua trong căn phòng làm việc an ổn của tôi. Thông thường, khi các ký ức trong trạng thái siêu ý thức được mở rộng, đối tượng bị thôi miên trở nên gắn bó hơn với hành lang tâm linh. Khi liệu trình tiếp diễn, bức tranh tinh thần trở nên dễ diễn đạt bằng lời hơn. Những câu miêu tả ngắn sẽ dẫn đến những giải thích chi tiết cho việc đi vào thế giới linh hồn là như thế nào.

 

Chúng ta có một khối lượng lớn các tài liệu, trong đó có các quan sát của các nhân viên y tế miêu tả các kinh nghiệm ở ngoài cơ thể gần với cái chết của những người bị thương nặng trong các tai nạn. Những người này được coi là đã chết trước khi các nỗ lực y tế đưa họ quay trở lại với cuộc sống. Linh hồn có khả năng ra khỏi và quay trở lại cơ thể chủ của chúng, đặc biệt trong các tình huống đe dọa tính mạng khi cơ thể đang chết đi. Người ta nói về việc bay lơ lửng bên trên thân xác họ, đặc biệt là trong các bệnh viện, trong khi quan sát các bác sĩ thực hiện những liệu pháp để cứu sống họ. Đôi khi những ký ức này mờ nhạt đi khi họ sống lại.

 

Trong những giai đoạn đầu của thôi miên hoàn nguyên về các kiếp trước, miêu tả của các đối tượng đã đi qua những cái chết quá khứ trong tâm trí không mâu thuẫn với các tường thuật của những người thực sự chết trong cuộc đời này trong vài phút. Sự khác nhau giữa hai nhóm này là các đối tượng bị thôi miên không nhớ lại các kinh nghiệm của họ trong cái chết tạm thời. Con người ở trạng thái bị thôi miên sâu có khả năng miêu tả cuộc sống sau cái chết vật lý thực sự.

 

Có gì giống nhau ở việc nhớ lại sau cái chết giữa những người nói về kinh nghiệm ở ngoài cơ thể như kết quả của chấn thương vật lý tạm thời và các đối tượng trong thôi miên nhớ lại cái chết ở kiếp trước? Cả hai đều nhận thấy họ trôi bồng bềnh quanh thân xác họ một cách lạ lùng, cố gắng chạm vào những vật thể rắn bị phi vật chất hóa ngay trước mắt họ. Cả hai nhóm đều nói họ thất bại trong việc cố gắng nói với những người sống, những người này đều không có phản ứng lại. Cả hai nhóm đều kể họ có cảm giác bị kéo khỏi nơi họ chết và trải nghiệm một sự thoải mái và tò mò nhiều hơn là sợ hãi.

 

Tất cả những người này đều nói về cảm giác háo hức của tự do và ánh sáng quanh họ. Một số đối tượng của tôi nhìn thấy ánh sáng trắng rực rỡ bao bọc quanh họ ở thời điểm chết, trong khi những người khác quan sát thấy ánh sáng ở xa hơn từ vùng tối hơn nơi họ bị kéo qua. Điều này thường được nói đến như hiệu ứng đường hầm và đã được công chúng biết đến.

 

Trường hợp thứ hai của tôi sẽ đưa chúng ta đi xa hơn vào kinh nghiệm chết so với trường hợp thứ nhất. Đối tượng ở đây là một người đàn ông ở lứa tuổi sáu mươi mô tả cho tôi các sự kiện trong cái chết của ông ta khi là một cô gái trẻ mang tên Sally, người bị dân da đỏ Kiowa giết chết trong một trận tấn công tàu lửa vào năm 1866. Mặc dù trường hợp này và trường hợp vừa rồi liên quan đến những kinh nghiệm chết sau cuộc đời quá khứ gần đây nhất, thời điểm chết cụ thể trong lịch sử không có ý nghĩa đặc biệt vì nó gần với hiện tại. Tôi nhận thấy không có sự khác biệt đáng kể nào giữa thời gian xa xưa và hiện đại trong những ký ức về hình ảnh của thế giới linh hồn, cũng như trong chất lượng của những bài học được rút ra.

 

Tôi cũng phải nói rằng đối tượng thông thường trong trạng thái bị thôi miên có khả năng phi thường để tập trung vào ngày tháng và vị trí địa lý của nhiều kiếp trước. Điều này đúng với cả những giai đoạn sớm hơn của nền văn minh loài người, khi biên giới quốc gia và tên các địa điểm khác với ngày nay. Các tên cũ, ngày tháng và địa điểm có thể không phải bao giờ cũng dễ dàng nhớ lại trong mỗi kiếp trước, nhưng những miêu tả về sự trở lại thế giới linh hồn và cuộc sống trong thế giới đó luôn luôn rõ ràng.

 

Khung cảnh của trường hợp thứ hai mở ra ở những bình nguyên phía nam nước Mỹ ngay sau khi một mũi tên xuyên vào cổ Sally ở khoảng cách gần. Tôi luôn luôn cẩn thận với những khung cảnh cái chết có gắn liền với những chấn thương bạo lực trong các kiếp trước vì tâm trí tiềm thức thường giữ lại những kinh nghiệm này. Đối tượng trong trường hợp này đến với tôi vì sự khó chịu suốt đời ở cổ họng. Liệu pháp thả lỏng và thay đổi chương trình thường được cần đến trong những trường hợp này. Trong tất cả các hồi ức về kiếp trước, tôi sử dụng thời gian gần cái chết để quan sát lặng lẽ và đặt đối tượng ở trạng thái người quan sát để làm giảm bớt nỗi đau và cảm xúc.

 

Trường hợp 2

TS. N: Bạn có bị đau nhiều do mũi tên?
 
ĐT: Vâng… đầu mũi tên xé rách cổ họng tôi… Tôi đang chết (đối tượng bắt đầu thầm thì trong khi giữ hai tay trên cổ họng). Tôi bị nghẹt thở… Máu tuôn ra…  Will đang ôm tôi… Cơn đau… khủng khiếp… Tôi đang ra khỏi đây bây giờ… dẫu sao nó đã qua rồi.
Lưu ý: linh hồn thường rời khỏi cơ thể chủ của mình vào thời điểm trước khi cái chết thực sự đến, lúc cơ thể họ bị đau đớn khủng khiếp. Ai có thể lên án họ? Tuy nhiên hồn vẫn ở gần với cơ thể đang chết. Sau các kỹ thuậttrấn tĩnh tôi tăng đối tượng từ mức độ tiềm thức lên mức độ siêu ý thức để chuyển sang những ký ức tâm linh.
 

TS. N: Được rồi, Sally, bạn đã chấp nhận bị giết bởi những người da đỏ. Bạn có thể miêu tả cho tôi chính xác cảm giác của mình tại thời điểm chết không?

ĐT: Như là… một sức mạnh… một kiểu nào đó… đẩy tôi khỏi cơ thể mình.

TS. N: Đẩy ông ra? Ra khỏi đâu?

ĐT: Tôi ra khỏi từ trên đỉnh đầu.

TS. N: Và cái gì bị đẩy ra?

ĐT: Ồ… tôi!

TS. N: Hãy miêu tả “tôi” có nghĩa là cái gì? Cái thứ là bạn trông thế nào khi ra khỏi đầu bạn?

ĐT: (ngập ngừng) Như là một điểm ánh sáng… chiếu ra…

TS. N: Bạn chiếu ánh sáng bằng cách nào?

ĐT: Từ năng lượng của tôi. Trông tôi như là trắng trong suốt… linh hồn tôi…

TS. N: Và ánh sáng năng lượng này vẫn giữ nguyên sau khi ra khỏi cơ thể?

ĐT: (ngập ngừng) Tôi có vẻ lớn hơn một chút… khi tôi chuyển động.

TS. N: Nếu ánh sáng của bạn nở rộng thì bây giờ trông bạn như thế nào?

ĐT: Một… làn khói… sợi dây… treo…

TS. N: Và bạn cảm thấy quá trình ra khỏi cơ thể như thế nào?

ĐT: Vâng, giống như tôi lột da mình… bóc một quả chuối. Tôi chỉ đơn giản mất cơ thể mình trong một động tác!

TS. N: Cảm giác có khó chịu không?

ĐT: Ồ không! Thật là tuyệt vời được cảm giác thật tự do thoát khỏi không còn đau đớn nữa, nhưng… Tôi… mất phương hướng… Tôi chưa chờ đợi cái chết… (Nỗi buồn lan vào giọng nói của bệnh nhân của tôi và tôi muốn ông ta tập trung vào linh hồn của ông ta một phút nữa thay vì tập trung vào những gì đang diễn ra với cơ thể ông ta trên mặt đất).

TS. N: Tôi hiểu, Sally. Hiện tại bạn hơi có cảm giác mất phương hướng khi là một linh hồn. Điều này là bình thường trong hoàn cảnh của bạn do những gì bạn vừa trải qua. Hãy lắng nghe và trả lời những câu hỏi của tôi. Bạn nói là bạn đã trôi bồng bềnh. Bạn có thể chuyển động tự do ngay sau khi chết không?

ĐT: Điều này thật là lạ… như tôi được treo lơ lửng trong không khí mà không phải là không khí… ở đây không có giới hạn… không có trọng lượng… tôi không có trọng lượng.

TS. N: Ý bạn là giống như ở trong chân không?

ĐT: Vâng… không có cái gì là khối rắn quanh tôi cả. Ở đây không có chướng ngại vật nào để vấp phải… Tôi trôi dạt…

TS. N: Bạn có thể kiểm soát chuyển động của mình không – nơi bạn đi đến ấy?

ĐT: Có… Tôi có thể kiểm soát được đôi chút… nhưng có… một lực kéo… về phía ánh sáng trắng rực rỡ… nó thật rực rỡ!

TS. N: Cường độ ánh sáng trắng có như nhau ở khắp nơi không?

ĐT: Sáng hơn… ở phía xa tôi… có tối hơn… xám… về phía thân xác tôi… (bắt đầu khóc) ôi, thân xác tội nghiệp của tôi… Tôi chưa sẵn sàng rời đi. (đối tượng ưỡn mình trên ghế của ông ta giống như ông ta đang chống lại điều gì đó)

TS. N: Không sao, Sally, tôi ở đây cùng bạn. Tôi muốn bạn thư giãn và kể cho tôi về sức mạnh đã kéo bạn ra khỏi đỉnh đầu vào thời điểm chết có còn kéo bạn đi nữa không và bạn có thể dừng lại được không.

ĐT: (ngập ngừng) Khi tôi thoát khỏi cơ thể mình lực kéo có giảm nhẹ. Bây giờ tôi cảm thấy sự thúc đẩy… kéo tôi khỏi thân xác tôi… Tôi vẫn chưa muốn đi khỏi… nhưng có gì đó muốn tôi đi nhanh…

TS. N: Tôi hiểu, Sally. Nhưng tôi ngờ rừng bạn đang dần biết được bạn có một số yếu tố kiểm soát. Bạn miêu tả sự lôi kéo bạn đi như thế nào?

ĐT: Một dạng từ trường… sức mạnh… nhưng… tôi muốn ở lại thêm một chút…

TS. N: Linh hồn bạn có thể chống lại cảm giác kéo này lâu chừng nào bạn muốn không?

ĐT: (có một khoảng ngừng lâu khi đối tượng có vẻ như đang tiến hành cuộc đấu tranh nội tâm với bản thân trong cuộc đời trước khi ông là Sally). Vâng, tôi có thể, nếu tôi thực sự muốn ở lại. (đối tượng bắt đầu khóc) Ôi, thật khủng khiếp những gì lũ mọi rợ ấy đã làm với cơ thể tôi. Máu loang khắp nơi trên chiếc váy xanh đẹp đẽ của tôi… chồng tôi, Will, đang cố giữ lấy tôi và vẫn đang chiến đấu cùng các bạn của chúng tôi chống lại dân Kiowa.

Lưu ý: Tôi củng cố hình ảnh tưởng tượng của tấm khiên bảo vệ xung quanh đối tượng này, một điều rất quan trọng để làm cơ sở cho các phương thức xoa dịu. Linh hồn của Sally vẫn bay lượn trên cơ thể cô sau khi tôi đưa khung cảnh tiến lên với thời gian đến khi những người Anh điêng bị đẩy lùi bởi những khẩu súng trường từ toa tàu.

TS. N: Sally, chồng bạn đang làm gì ngay sau cuộc tấn công?

ĐT: Ôi thật tốt… anh ấy không bị thương… nhưng… (với vẻ buồn đau) anh ấy đang ôm lấy xác tôi… khóc cho tôi… anh ấy không thể làm gì được cho tôi, nhưng anh ấy có vẻ chưa nhận ra điều đó. Tôi đã lạnh giá, nhưng đôi tay của anh ấy vẫn ở quanh mặt tôi… hôn tôi.

TS. N: Thế bạn làm gì trong thời điểm này?

ĐT: Tôi ở trên đầu Will. Tôi cố gắng an ủi anh ấy. Tôi muốn anh ấy cảm thấy tình yêu của tôi không thực sự ra đi… Tôi muốn anh ấy biết anh ấy không mất tôi mãi mãi và tôi sẽ còn gặp lại anh ấy.

TS. N: Các thông điệp của cô có đến được nơi không?

ĐT: Có thật nhiều đau khổ, nhưng anh ấy cảm thấy tinh túy của tôi… tôi biết điều đó. Các bạn của chúng tôi vây quanh anh ấy… và cuối cùng họ tách chúng tôi ra… họ muốn sắp xếp lại các toa tàu và bắt đầu tiếp tục hành trình.

TS. N: Thế điều gì xảy ra với linh hồn bạn bây giờ?

ĐT: Tôi vẫn chống lại cảm giác kéo… tôi muốn ở lại.

TS. N: Tại sao thế?

ĐT: Ôi, tôi biết là tôi đã chết… nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng rời bỏ Will và… tôi muốn xem họ chôn cất tôi.

TS. N: Cô có nhìn thấy hay cảm thấy thực thể tinh thần nào khác xung quanh cô tại thời điểm này không?

ĐT: (ngập ngừng) Họ ở gần tôi… tôi sắp nhìn thấy họ thôi… tôi cảm nhận được tình yêu của họ và tôi muốn Will cảm nhận được tình yêu của tôi… họ chờ cho đến khi tôi sẵn sàng.

TS. N: Với thời gian trôi qua, bạn có thể an ủi Will không?

ĐT: Tôi cố gắng đến với tâm thức của anh ấy.

TS. N: Và bạn thành công chứ?

ĐT: (ngập ngừng) Tôi nghĩ… có một chút… anh ấy cảm thấy tôi… anh ấy nhận thấy… tình yêu…

TS. N: Được rồi, Sally, bây giờ chúng ta sẽ đi tiếp theo thời gian tương đối lần nữa. Bạn có nhìn thấy các bạn trong toa tàu đặt xác bạn vào một kiểu mộ nào đó không?

ĐT: (giọng tự tin hơn) Vâng, họ đã chôn cất tôi. Đã đến lúc tôi phải đi… họ đang đến với tôi bây giờ… Tôi đang di chuyển… về phía ánh sáng rực rỡ hơn…

Ngược với điều nhiều người tin, linh hồn thường ít quan tâm đến điều gì xảy ra với thân xác họ một khi họ đã chết. Điều này không phải là sự nhẫn tâm đối với các hoàn cảnh cá nhân và với những người họ để lại trên Trái đất mà là sự công nhận tính chất cuối cùng của cái chết. Họ có mong muốn được đi nhanh chóng trên con đường đến với vẻ đẹp của thế giới linh hồn.

Tuy nhiên, nhiều linh hồn khác lại muốn được bay lượn xung quanh chỗ họ chết trong một vài ngày Trái đất, thường đến khi tang lễ của họ được cử hành xong. Thời gian có vẻ như được đẩy nhanh đối với linh hồn và những ngày trên Trái đất có thể chỉ là vài phút đối với họ. Có nhiều loại động cơ thúc đẩy khác nhau đối với các linh hồn nán lại. Chẳng hạn, người bị ám sát hoặc bị giết chết đột ngột trong một tai nạn thường không muốn rời đi ngay. Tôi nhận thấy những linh hồn này thường hoang mang hoặc tức giận. Hội chứng linh hồn lởn vởn là thực tế với cái chết của những người trẻ tuổi.

Bị bất ngờ tách khỏi dạng con người, thậm chí cả sau thời gian bệnh lâu dài vẫn là cú sốc đối với linh hồn thông thường và điều này cũng làm cho linh hồn ngần ngại rời đi vào thời điểm chết. Cũng có gì đó mang tính biểu tượng về thời gian chuẩn bị tang lễ thông thường từ ba đến năm ngày đối với các linh hồn. Linh hồn thực sự không có sự tò mò thiếu lành mạnh được nhìn thấy họ được chôn cất vì những cảm xúc trong thế giới linh hồn không giống với những kinh nghiệm trên Trái đất. Tuy vậy tôi nhận thấy các thực thể linh hồn hiểu rõ sự tôn trọng đối với những ký ức về cuộc sống vật lý của họ của những họ hàng thân thích và bạn bè còn sống.

ĐỌC THÊM NỘI DUNG SÁCH" HÀNH TRÌNH CỦA LINH HỒN"

 

 

 

 
 

Xem Thêm Nội Dung