Tác giả Vũ Hùng


Nhà văn Vũ Hùng
Nhà văn Vũ Hùng

 

 

 

 

 

 

 

VŨ HÙNG sinh năm 1931 tại làng Láng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, trong một gia đình viên chức nhỏ. Anh là một cây bút chuyên viết vềthiên nhiên và loài vật cho trẻ em. Trước cách mạng anh là học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An).

Anh nhập ngũ năm 1950 khi đang học năm thứ hai chuyên khoa toán (lớp 11 chuyên toán bây giờ). Sau khi tốt nghiệp khoa thông tin trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, anh đã phục vụ quân đội 30 năm, lần lượt qua các cương vị: đài trưở̀ng vô tuyến điện, kỹ sư trạm trưởng một trạm nguồn điện của Binh chủng Thông tin, phóng viên khoa học kỹ thuật của báo Quân đội nhân dân.

Có lẽ trong các nhà văn viết cho thiếu nhi, VŨ HÙNG là một trong số những người kiên trì nhất: hơn 30 năm cầm bút, anh hoàn toàn chỉ viết và đôi khi dịch cho các em, chịu mọi thăng trầm của một mảng văn học chưa được mấy người chú ý.

Bạn bè khi nghĩ về anh, thường nhớ đến một cán bộ kỹ thuật ít lời, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn và âm thầm hoàn thành chúng không cầu mong ai biết đến. Nhưng trong quan hệ, người cán bộ kỹ thuật này lại cởi mở, luôn luôn tươi cười, lễ phép. Lúc nào anh cũng sẵn sàng "cám ơn" hoặc "xin lỗi", thường bị coi là "lính cậu", điều đã gây nhiều rắc rối cho anh trong cuộc đời quân ngũ trước những vị chỉ huy cứng rắn và lạnh lùng.

Cuộc đời nhiều khi tạo nên những bất ngờ: VŨ HÙNG đã trở thành nhà văn không hề được chuẩn bị trước.

Cái gì làm nên điều đó?

Trước hết phải nói tới kinh nghiệm sống của anh. Anh đã đi lại rất nhiều nơi, trên rừng dưới biển. Anh đã sống nhiều năm trên Trường Sơn, cả ở phía Đông lẫn phía Tây, trong những làng săn, giữa những bầy voi, gần gũi với những người đi kiếm trầm hương, với các thợ săn, các quản tượng … Anh đã tích lũy được những hiểu biết phong phú về phong tục của nhiều dân tộc, về tập tính của nhiều loài thú và những cách ứng xử của chúng.

Tất cả tạo cho anh một vốn sống dồi dào, cái cơ sở quan trọng của người viết văn.

Ngoài ra, còn một thôi thúc nữa cũng không kém phần quyết định. Hãy nghe anh trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân – tờ báo mà anh từng phục vụ như một phóng viên khoa học – nhân dịp anh được tặng giải thưởng văn học thiếu nhi năm 1986.

"Một lần các quản tượng Lào tặng cho bộ đội tình nguyện Việt Nam vài con voi để lập một đội vận tải. Họ đưa ra những cuốn "lý lịch" của bầy voi. Đó là những tập lá cọ, đóng thành xấp, trên khắc chữ. Người ta đọc to những điều ghi trong lý lịch của những con voi sắp xa làng. Toàn những điều tốt lành: con voi về làng ngày nào, có những đức tính gì, đã lập những công trạng gi. Chẳng có một lời nào về tật xấu và lỗi lầm của chúng. (Chắc chắn là chúng cũng có tật xấu và lỗi lầm vì tôi đã thấy chính những con voi này, khi không có ai coi sóc, đã bẻ trộm cả một vạt ngô trên nương.)

 

Thấy tôi ngạc nhiên, các quản tượng nói:

- Đời con voi dài hơn đời quản tượng. Nó sẽ nhiều lần đổi chủ. Người ta ghi những điều tốt lành của nó trong "lý lịch" cốt để người chủ sau tin tưởng và tự hào vì nó, yêu thương săn sóc nó hơn.

Điều các quản tượng nói làm tôi rất suy nghĩ. Đó là vào những năm 50. Thời ấy, đời lính có nhiều điều đẹp đẽ mà cũng có nhiều điều khắc nghiệt. Nhất là đối với những ai không xuất thân từ đồng ruộng hay xưởng thợ. Cái được chú ý đầu tiên là gia đình anh có dư dật hay không? Anh đi học mấy năm? (Theo cách suy nghĩ của thời ấy thì càng đi học, anh càng tiêm nhiễm cái xấu). Bạn bè của anh là những ai, thuộc tầng lớp nào? Ít ai chú ý đến điều cơ bản: anh đã từ bỏ quá khứ để theo đuổi sự nghiệp cứu nước. Những nhận xét khe khắt sẽ bám theo anh năm này qua năm khác, đến nỗi những điều tốt đẹp và quá trình phấn đấu của anh luôn bị lãng quên.

Những buổi tiếp xúc ban đầu ở làng voi làm tôi sợ cuốn lý lịch của chính mình. Nó ghi chép quá nhiều điều khắc nghiệt. Nó thuộc về tôi nhưng tôi hoàn toàn bất lực trước nó. Tùy lòng bao dung của người xem xét, nó có thể tốt mà cũng có thể xấu. Tôi có cảm tình với các quản tượng và bầy voi từ đó. Tôi để tâm quan sát họ."

Rồi anh bắt đầu viết về họ, về thân phận họ và thân phận những con voi, trong khi nghĩ về thân phận của chính mình. Anh trở thành nhà văn trong quá trình trăn trở ấy.

*

Khác với ngoài đời, trong văn học, VŨ HÙNG là một người may mắn. Không chỉ các bạn đọc nhỏ tuổi thích sách của anh mà nhiều người lớn cũng rất thích. Bạn đọc thích chúng không phải chỉ do những yếu tố mới lạ mà do chủ nghĩa nhân đạo thấm nhuần trong mỗi trang anh viết.

Hơn 30 năm tham gia hai cuộc chiến tranh, anh cho rằng chiến tranh có thể rèn luyện con người theo hai hướng: hoặc làm ta cứng rắn và vô tình, hoặc làm ta dễ xúc cảm, dễ yêu thương. Anh tự đánh giá chiến tranh đã rèn luyện anh theo hướng thứ hai.

Các nhân vật trong sách của VŨ HÙNG là những con thú. Chúng hành động không phải chỉ do bản năng hoặc do những "phản xạ có điều kiện" mà nhiều khi còn do những gì bíẩn hơn thể thôi thúc. Xã hội của chúng phảng phất bóng dáng xã hội loài người trong dó bọn thú độc ác ở lẫn với những con thú hiền lành, những con may mắn lẫn những con bất hạnh. Ngòi bút của anh hoàn toàn cảm thông với những con thú bị thiệt thòi và bênh vực chúng. Anh cho rằng dù viết về cái gì thì nhà văn cũng không thể là một người xu nịnh hoặc khinh bạc, dửng dưng với những đau khổ ở đời.

*

VŨ HÙNG thuộc số đông những người lính vô danh của hai cuộc kháng chiến, hồn nhiên nhưng có ý thức về nghĩa vụ, vào quân ngũ mà không bao giờ mơ tưởng gây dựng cho mình một sự nghiệp trong chiến tranh. ( Anh tại ngũ 30 năm, 20 năm cuối phục vụ trên cương vị một kỹ sư và xuất ngũ với quân hàm đại úy)

Nhưng trong văn học, VŨ HÙNG hoàn toàn là một người khác. Anh luôn luôn mơ tưởng tới sự nghiệp.

Cuốn sách đầu tay của anh ra đời năm 1960. Trong 30 năm cầm bút (1960 – 1989) anh đã viết cho các em hơn 40 cuốn sách, phần lớn được yêu thích, trong đó nhiều cuốn đãđược dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

VŨ HÙNG đang ở độ sung sức. Tuy rất bận, anh vẫn không rời cây bút. Chắc chắn sự nghiệp văn học của anh sẽ còn phong phú hơn.

Hà Nội, tháng 9 năm 1988

VIẾT LINH

 

Bạn đọc tìm hiểu thêm thân thế và sự nghiệp của Nhà văn vũ hùng tại địa chỉ: www.vuhung.com

Bạn đang xem trang 1 / 2 (có tất cả 24 sản phẩm)
Xem thêm