/upload/images/2017/06/02/bia11.jpg

Việt - Pháp bang giao sử lược

Tác giả:
Nhà xuất bản: Khoa học Xã Hội
Nhà phát hành: Sách Khai Tâm
Hình thức bìa: mềm
Số trang: 332
Kích thước 15x23
Cân nặng: 450 (gram)
Năm xuất bản: 2017
Hết hàng
Giá bìa: 135,000 đ

Việt Pháp bang giao sử lược

LỜI NÓI ĐẦU

Lịch sử cuộc mất chủ quyền của một nước là lịch sử tối cần thiết cho nhân dân nước ấy.

Vì có thấu rõ việc trước mới đề phòng và lo liệu cho việc sau, có thấy những sai lầm, những đắc sách của người xưa, thì người nay và người sau mới lo tránh hoặc gắng bắt chước theo, có cảm những hờn tủi của người dân mất nước mới phấn khích, tự cường mà mưu nghĩ đến cuộc phục hưng.

Trong lịch sử cận đại của Việt Nam, sự can thiệp của nước Pháp, lấy Nam kỳ làm thuộc địa, đặt bảo hộ ở Trung, Bắc kỳ... là một biến cố lớn lao và hệ trọng.

Từ trước đến nay, biến cố ấy chỉ ghi chép trong các sách, đoạn sử rời rạc, tùy theo việc lặt vặt, chưa có một quyển sử nào chuyên chép riêng ra và cho đầy đủ. Mà những sự tình trong tám mươi năm ngoại thuộc ấy lại tô điểm bởi một cuộc chống chỏi, tranh đấu không ngừng của dân tộc Việt Nam, đáng cho hậu thế chiêm nghiệm biết bao!

Thấy sự thiếu thốn ấy, chúng tôi sưu tầm tài liệu trong các sách sử tây, ta, soạn ra sách này để giúp một phần cho mục đích nói trên.

Chúng tôi truy nguyên từ khi người Âu châu mới đặt chân lên đất Việt Nam, thế kỷ XVI, sự giao thiệp giữa họ và ta ở thế kỷ XVII làm họ xét biết và bắt đầu để ý đến nước ta. Tiếp đến sự cầu cứu nước Pháp của Hoàng tử Cảnh và hiệp ước Versailles không hiệu quả, vua Minh Mạng cũng có ý tưởng tự cường, tự chủ, nhưng không hiểu tình thế thiên hạ, lại không dung nạp đạo Gia Tô nên cái mầm xung đột sinh ra từ đó. Vua Thiệu Trị tiếp tục chính sách ấy, người Pháp có cớ mà gây hấn và tiếng súng đầu tiên nổ ở Đà Nẵng năm 1847 đã báo hiệu những ngày mai đầy gian hiểm. Thế mà kế vua, vua Tự Đức cũng không lo tự tân, tự cường để theo kịp trào lưu thế giới, kẻ sĩ trong nước thì chỉ lo gọt giũa văn chương, ngâm nga thi phú, rồi đến khi quân địch tới bên cạnh, kẻ bàn chiến, người nói thủ, kẻ ưng hòa, không nhất quyết một bề nào, khiến dẫn đến việc mất ba tỉnh phía Đông, ba tỉnh phía Tây Nam kỳ. Trong các sự tình ấy, thao lược của Nguyễn Tri Phương, nghĩa khí của Trương Định, là những tài liệu rất quý báu của Quốc sử. Chiếm xong toàn cõi Nam kỳ, người Pháp mưu bành trướng thế lực ra Bắc, Trung kỳ. Việc Françis Garnier và Jean Dupuis, Henri Rivière hai lần gây sự ở Hà Nội, việc Thuận An thất thủ, tình cảnh "tứ nguyệt tam vương", cuộc đột kích ở Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn là những tấn bi kịch đầy chi tiết cảm động.

Rồi sự nổi dậy của đảng Cần Vương, cuộc vận động của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và đồng chí… đều được thuật, tả tường tận, đủ chứng tỏ ý chí của dân tộc trước cơn tai nạn. Qua các sự biến cố ấy, chúng tôi cũng trình bày rõ ràng các trận mạc, tình cảnh triều chánh, các hòa ước, hiệp định, cách thi thố quyền hành của người Pháp. Chúng tôi đã dừng bút sau khi cuộc bảo hộ Trung, Bắc kỳ thành lập xong được một lúc. Còn từ đó về sau, cho đến công cuộc thực hiện độc lập 1945 trở đi là một giai đoạn khác, cần phải một thiên khác nữa.

Những tài liệu ở các sử ký, dã sử, ký sự… có nhiều khi không giống nhau, hoặc trái nhau.

Gặp chỗ như thế, chúng tôi đã so sánh, tìm tòi, hoặc hỏi han các bậc phụ lão am hiểu, để đưa ra những điều có thể tin là xác đúng.

Tuy vậy, chắc không khỏi còn nhiều chỗ sai lầm. Mong những bậc cao minh đã nghe thấy chắc thiệt hơn chỉ giáo và hiệu chánh lại cho.

Viết mấy trương sách này, chúng tôi chỉ làm một việc sơ thảo. Nhờ sự hiệu chánh ấy, chúng ta sẽ dần dần sửa sang lại cho thành một thiên sử đầy đủ và xác thật về cuộc thất bại của tổ tiên chúng ta để góp phần vào quyển Việt Nam sử đại toàn sau này và để tỏ rõ một "vết xe cũ" cho người đời sau trông thấy.

SOẠN GIẢ CẨN CHÍ

 

Xem Thêm Nội Dung