/upload/images/2017/06/02/vietsuxudangtrong-mockup.jpg

Việt sử Xứ Đàng Trong

Tác giả:
Nhà xuất bản: Khoa học Xã Hội
Nhà phát hành: Sách Khai Tâm
Hình thức bìa: mềm
Số trang: 520
Kích thước 15x23
Cân nặng: 700 (gram)
Năm xuất bản: 2017
Hết hàng
Giá bìa: 189,000 đ

Trong số những nhà sử học ở miền Nam trước năm 1975, phải nói là tên tuổi Phan Khoang thuộc số những cây bút được giới sử học và bạn đọc miền Bắc thuộc nhất. Nhiều tác phẩm của Phan Khoang dần dần được giới chuyên môn tham khảo, trích dẫn. Trong số đó, nổi bật là những tác phẩm như: Việt - Pháp bang giao sử lược (Nhà in Nguyễn Văn Bửu, Huế, 1950), Việt Nam Pháp thuộc sử (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1961), Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969)…

Dần dần bạn đọc miền Bắc cũng hiểu rõ thêm cuộc đời, sự nghiệp của tác giả này và ngày càng có thêm những ấn tượng về một học giả uyên bác, một nhà sử học, nhà báo, nhà giáo tài ba. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, thừa hưởng vốn tri thức Hán học phong phú từ người cha - một tiến sĩ Nho học, lại được tiếp nhận nền giáo dục Pháp nên trong các nghiên cứu của ông thể hiện rất rõ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học vấn, phương pháp nghiên cứu Đông - Tây. Tuy vậy, sử học mới là lĩnh vực nghiên cứu mà ông thành công nhất, đặc biệt với tư cách người nghiên cứu tự do lại có những tác phẩm để lại nhiều ấn tượng hiếm thấy.

Trong những công trình sử học của Phan Khoang ở thập kỷ 50 - 70 của thế kỷ XX, người ta còn chú ý đến tác giả này bởi lẽ, ông đã dành rất nhiều công sức của mình vào việc nghiên cứu Lịch sử xứ Đàng Trong. Tất nhiên ông không phải là người duy nhất để tâm, có nhiều tác giả ở miền Nam trước 1975 đã có những thành công nhất định trong việc khai phá địa hạt này như Lê Kim Ngân, Nguyễn Thế Anh, Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê…

Tuy vậy, theo chúng tôi, các công trình của Phan Khoang như Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, ngay từ khi mới ra mắt bạn đọc đã sớm được ghi nhận. Vấn đề là ở chỗ, tác phẩm này không chỉ là sự phục hiện hệ thống và chi tiết nhất về lịch sử hình thành Vương triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Đại Việt thời Lê - Trịnh nói chung, mà còn được dưa trên căn bản hệ thống tư liệu rất đồ sộ, quý hiếm. Chúng ta biết rằng, viết về lịch sử xứ Đàng Trong, không chỉ đụng đến lịch sử cuộc Nam tiến hào hùng, đẫm mồ hôi nước mắt của những người con dân Việt can đảm và khai phóng, mà còn đề cập đến lịch sử của vương quốc Chăm Pa, vấn đề Chân Lạp… những thách đố với giới sử học lúc đó và cả ngày hôm nay.

Chúng ta biết rằng, lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (1558 -1777) bắt nguồn từ sự xuất hiện cục diện chính trị Trịnh - Nguyễn phân tranh ở hai bờ sông Gianh. Thử thách lớn đầu tiên của các chúa Nguyễn, “công việc các chúa Nguyễn làm ở Nam Hà” không chỉ là việc tạo dựng lực lượng để “Bắc cự” (chữ dùng hay lột tả 200 năm nội chiến Trịnh - Nguyễn) mà còn lần lượt giải quyết vấn đề Vương quốc Chămpa (tác giả gọi là Chiêm Thành) cũng như vấn đề Thủy Chân Lạp. Tác giả có những nhận định sắc nét: “Như đã thấy, khi cuộc chiếm cứ hết đất Chiêm Thành gần như hoàn tất, với những hoạt động ngoại giao, quân sự, các chúa Nguyễn lần lượt xâm lấn Thủy Chân Lạp để đem vào bản đồ miền Nam rộng rãi, phì nhiêu. Ngoại giao để can thiệp nội tình Hoàng gia Chân Lạp mà nhất là Tiêm La... Còn quân sự chỉ khi cần mới dùng đến”[1].

Ngoài việc trình bày chi tiết phả hệ các chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phước Thuần và các chúa Nguyễn tiếp theo, Phan Khoang còn dụng công trong việc mô tả “tổ chức chính quyền các chế độ” từ bộ máy chính quyền, tổ chức quân đội, chế độ quân điền, thuế khóa cho đến giáo dục thi cử, tiền tệ, đo lường, pháp luật. Tác giả cũng chú ý đặc biệt đến lĩnh vực ngoại giao (giao thiệp với Xiêm La, Trung Quốc, Nhật Bản…), giao thương của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong với các nước Đông Á, Âu Châu. Một điểm nhấn khác cũng được tác giả lưu ý đó là hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây ngày càng mạnh mẽ ở xứ Đàng Trong. Hãy xem, ông có một nhận xét như thế này: “Các chúa Nguyễn không quá cứng rắn với các giáo sĩ ấy là vì muốn tiếp xúc với nền văn minh mới, lợi dụng khoa học Tây phương, cái tinh thần của người Đàng Trong vượt núi, trèo đèo để tiến vào tận vùng Tiêm La mà tinh thần phóng khoáng để nhận những luồng gió mới”[2].

Là nhà sử học tự do, hóa ra Phan Khoang lại có nhiều lợi thế trong việc sưu tầm, kê cứu các nguồn tài liệu Đông Tây kim cổ, nhất là tài liệu quốc sử của Việt Nam và Trung Quốc. Ông đặc biệt lưu tâm đến những văn bản inédit, tất nhiên trước hết là tài liệu lưu trữ bằng chữ Hán, Nôm, tiếng Trung Quốc, tiếng Việt, tiếng Pháp và cả chữ Latinh. Các ngôn ngữ nhắc sau liên quan trực tiếp đến nguồn tài liệu quý còn chưa được khai thác nhiều ở thời điểm đó là những ghi chép, báo cáo của các Giáo sĩ phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Lối kê cứu và chú dẫn của Phan Khoang thật nghiêm túc, khách quan và trân trọng với các tác giả mà ông sử dụng. Chính ông, ngay trong Tiểu dẫn, đã nói rõ rằng, để viết Chương ba Chương tư ông đã khai thác triệt để những sách như Nam triều Nguyễn Chúa khai quốc công nghiệp diễn trí, bên cạnh các tập sách chọn lọc của G. Maspéro; P. Meunier; và Leclère…

Đúng như cái tên sách rất gợi cảm, Việt sử: Xứ Đàng Trong (1558-1777) - Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam không chỉ là một cuốn lịch sử của một phần cơ thể dân tộc, quốc gia Việt Nam mà còn là một trong những cuốn sách đầy đặn bậc nhất ở thập kỷ 60 về những vấn đề cơ bản của công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ ngót 300 năm. Đặc biệt, cây bút sử học Phan Khoang có được những nhận định về bản chất của các sự kiện lịch sử (vốn rất phức tạp và chồng chéo) được đưa ra trong quá trình “phục hiện lịch sử Đàng Trong”, sau gần 50 năm, vẫn có sức tham khảo, gợi mở với nhận thức lịch sử ngày nay.

Chúng tôi cũng muốn thưa thêm với bạn đọc rằng, Việt sử: Xứ Đàng Trong mà Phan Khoang dụng công cả đời mình cho tập sách, dù đã để lại cho hậu thế một cuốn sử nghiêm túc, cẩn trọng và có chất lượng sử học đáng kể, nhưng nó cũng khó có thể tránh khỏi những hạn chế có tính thời đại và nghề nghiệp. Chẳng hạn, khi khẳng định công lao Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam dưới sự dẫn dắt của các chúa Nguyễn mà chúng tôi đã dẫn trong một nhận định tiêu biểu trên đây, rõ ràng cũng cần có cái nhìn toàn diện hơn về địa - chính trị, địa - tộc người, địa - văn hóa; địa - tôn giáo (tác giả dùng từ tông giáo để chỉ thực tại này) cũng như cũng cần sự soi rọi của những thành quả nghiên cứu của khảo cổ học, sử học, dân tộc học… mà ở thời của ông chưa thể có được.

Xin có đôi lời về phong cách viết sử của Phan Khoang: một ngòi bút lịch lãm mà giản dị, uyên thâm mà rất bình dân kể cả khi phải đề cập đến những kiến thức lịch sử phức tạp… Nhờ đó, cuốn lịch sử hơn 200 năm mà ông gọi là Việt sử: Xứ Đàng Trong có được một cấu trúc tưởng đơn giản mà chặt chẽ, ngồn ngộn sự kiện mà vẫn không che lấp gương mặt những nhận vật lịch sử, từ tính cách của các chúa Nguyễn đến hình ảnh người bình dân (tác giả gọi là “sinh hoạt của nhân dân”), ngòi bút sử học chính thống được pha trộn khéo léo với văn phong sắc bén của nhà báo, có khi còn mang chút hơi hướng của “tiểu thuyết lịch sử”.

Công trình nghiên cứu tầm cỡ, với dày đặc tên nhân vật, địa danh đều chú kèm chữ Hán rất cẩn trọng này được Nhà xuất bản Khai Trí xuất bản lần đầu tiên năm 1969. Không đầy một năm sau, Phan Khoang mắc bệnh nặng phải ra nước ngoài chữa bệnh. Năm 1971, ông trở lại Sài Gòn rồi mất. Trong bối cảnh đặc biệt của thời cuộc, Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) (cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam) đã phản ánh nhận thức của giới sử học miền Nam trước năm 1975 về lịch sử xứ Đàng Trong và những nỗ lực của họ trong phục hiện quá trình xác lập chủ quyền bờ cõi, hoàn chỉnh không gian quốc gia Việt Nam. Có gì đó ẩn hiện phía sau những trang sử ấy là nỗi niềm của một nhà sử học miền Nam, trong bối cảnh đất nước chia cắt và chiến tranh. Mỗi chữ, mỗi dòng đều đáng quý.

Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương và những nỗ lực để tái bản sách này của Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Công ty TNHH Văn hóa Khai Tâm cùng với sự hợp tác của gia đình cố sử gia Phan Khoang. Đặc biệt, trong kỹ thuật tái bản, cuốn sách được in lại trên cơ sở tôn trọng tối đa “giá trị lịch sử của văn bản”, hi vọng đây sẽ là món quà ý nghĩa gửi đến những nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm và đông đảo bạn đọc.

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2016

GS.TS. Đỗ Quang Hưng

Cảm nhận

“… Những người Việt viết sử Việt bây giờ có thể đếm trên đầu ngón tay. Và cứ thực tình mà nói thì quả chúng ta chưa có sử gia đủ kích thước như đòi hỏi của bộ môn, tuy rằng dưới ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, người Việt đã có sách sử gần 8 thế kỷ, và bây giờ đã làm quen với khoa học Tây phương gần 100 năm rồi. Không nhắc tới những điều kiện nghèo nàn về tài liệu, về khả năng sáng tác gây bởi chiến tranh, xáo trộn chính trị… chúng ta cũng phải thấy sự chuyển hướng văn tự của ta là một duyên cớ cắt đứt quá khứ khiến cho tủ sách Việt sử ngày nay thật phải gây ngượng ngùng. Người mới không đủ kiên nhẫn và điều kiện đi vào các tài liệu xưa. Người cũ loay hoay trong mớ giấy bản thật dồi dào sự kiện, nhưng cũng thật chứa nhiều độc tố bảo thủ của một thời đại co rút trong kinh, sử… lại vì sự trì trệ của khung cảnh xã hội, những khuôn mặt sử gia “mới” không thủ đắc thấu đáo những phương pháp của sử học tân tiến với nhân sinh quan vững chắc của con người hiện đại trong khi phải đứng khựng trước đống tài liệu cũ để bằng lòng với những lược dịch, trích văn… Nên dù có vơ vào thật nhiều để tập hợp thành những compilation dày cộm, những sử gia Pháp – bản xứ này cũng phải nhường bước trước uy tín của những ông đồ Nho có Tây học. Nhưng các sử gia của thành phần này còn sống đến nay cũng phải gắng gượng mang một chút thay đổi để làm khởi sắc bộ môn cũng như thành phần của mình. Một Phan Khoang của Việt sử xứ Đàng Trong cho ta thấy rõ điều đó…”

-         Tạ Chí Đại Trường

Nguồn: Tập san Sử Ðịa, số 21, Sài Gòn, 1-3/1971, tr. 217-219



[1] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong: Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (1558-1777), Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr.451.

[2] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong: Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam (1558-1777), Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr.590.

 

 

Xem Thêm Nội Dung