Hồ điệp

Tác giả:
Dịch giả: Phạm Tú Châu
Nhà xuất bản: Công An Nhân Dân
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: 344
Kích thước 12 x 20 cm
Cân nặng: 318 (gram)
Năm xuất bản: 2015
Hết hàng
Giá bìa: 43,000 đ

Tóm tắt tác phẩm

Tập truyện ngắn Hồ điệp tuyển chọn những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc Vương Mông. Trong đó bao gồm Người trẻ tuổi mới về phòng Tổ chức, Hồ điệp, Chiếc lá phong… Các tác phẩm xoay quanh đề tài số phận người trí thức Trung Quốc trong lịch sử xã hội. Đa số truyện ngắn trong cuốn sách tập trung vào những nhân vật có lương tri, có nhiệt huyết nhưng bị bi kịch lịch sử vùi dập, những con người phải tự chôn vùi đẹp tâm hồn để thích ứng với hoàn cảnh khắc nghiệt… Một số tác phẩm khác của ông cũng được in trong tập truyện như Câu đố của truyện ngắn, Cát-xét viêm, Chùm truyện huyền tư hường về vấn đề cuộc sống hiện đại của con người và những biến đổi của họ trong cuộc sống vật chất.

Nhận định

“Tôi cần phải viêt về cuộc sống trong những biến động kịch liệt hàng mấy chục năm qua của Trung Quốc, viết về con người đã cảm thụ ra sao trong những biến động đó. Tôi cảm thấy tôi có nghĩa vụ viết về lịch sử tâm linh một thế hệ chúng tôi. Tôi quả thật muốn cung cấp một lời làm chứng cho lịch sử; tôi cần nói rõ cho thế hệ sau biết  rằng những người như tôi đã từng bước qua quãng thời gian lịch sử có quá nhiều mưa gió đó như thế nào.”

- Vương Mông

Tập truyện ngắn Hồ điệp của Vương Mông tập hợp những tác phẩm đã mang lại cho ông cả vinh quang và cay đắng trong cuộc đời sáng tác. Bảy truyện ngắn trong đoạn đời khác nhau, có tác phẩm ẩn chứa sự hăm hở của người còn trẻ tuổi, có tác phẩm lại là sự trầm tư suy nghĩ của một người đã nếm trải tất cả hương vị cuộc đời. Nhưng, dù ở thời kì nào, người ta vẫn thấy được trong sáng tác của Vương Mông một chủ thể sáng tạo ưu mẫn với thời thế, người luôn luôn tin vào vẻ đẹp của tâm hồn của loài người. Nhân vật của ông, dù là Lâm Chấn “trẻ tuổi mới về phòng tổ chức”, Trương Tư Viễn “ông quan lận đận” hay bà phu nhân thứ trưởng Trịnh Mai Linh… vẫn luôn giữ lại cho mình phẩm chất tốt đẹp, cho dù cuộc sống có cho họ những gì, đã làm họ thất vọng đến thế nào, đã thúc ép họ đến đâu. Những tác phẩm về cuộc sống con người hiện đại lại có một giọng văn hài hước mà thâm trầm, giúp cho người đọc thấy được một phong cách đa dạng của Vương Mông.

- Nhã Nam

******

Trích đoạn tác phẩm

Bước trên cây cầu thứ nhất lên đê, cầu ấy tên là Xuân Thủy. Tên này lập tức gợi cho Lộc Trường Tư nhớ đến bài từ của Phùng Diên Kỷ, nhớ đến Trung Chủ và Hậu Chủ thời Nam Đường, nhớ đến bao nhiêu cuộc loạn ly và chém giết trong lịch sử Trung Quốc. Cây cầu này rất lớn, được xây mới và sửa chữa từ một cây cầu bê tông cốt sắt loại tồi; về mặt kiểu dáng thì cố gắng giữ lấy hương sắc cổ, nhất là lan can cầu thì làm cũng khá. Rặng thùy liễu bên cầu rậm rạp, tốt tươi, từng bụi từng bụi cỏ non mơn mởn, hoa đỗ quyên rơi rụng vương vãi, còn hoa thập tỉ muội thì tươi tắn rực rỡ. Nước dưới cầu xanh như dầu, nhưng có mùi thơm hơi nặng; lại có một số giấy gói thực phẩm và chai nhựa nổi trên mặt nước. Sáng ngày nào cũng có người chuyên quét dọn và vớt lên, nhưng sức phá hoại của rất đông du khách có tố chất thấp thì thật đáng sợ. Lộc Trường Tư hơi thất vọng. Ông đến muộn quá, ông đã mất đi mùa xuân manh động nhưng thuần khiết, e lệ. Tơ liễu ở đây vốn nổi tiếng là thướt tha mềm mại, nhưng bây giờ thì cành liễu mập mạp nặng nề, chẳng khác gì núi non, gấm đoạn và mây khói chồng lên nhau.

Trên cầu ồn ào đông đúc, dân buôn bán nhỏ và người dừng chân xem ngắm chen chúc nhau. Khăn quàng, khăn tay tơ lụa, ô vải, ô lụa, tiền đồng xu cổ, khung kính, con dấu bằng đá, bức chữ, bức tranh vụng về, quả cầu sắt, quả cầu ngọc để rèn luyện thân thể, đường bông, bánh vừng, thuốc lá, cau trầu, bật lửa, dây đeo khóa, cho đến cả người xem tướng, xem số, thứ gì cần có đều có đủ. Trịnh Mai Linh nhìn thấy gì cũng thích thú, bà đứng ở chỗ bán chữ xem rất lâu. Chữ như thế sao gọi được là thư pháp? Nét bút xiên xẹo, run rẩy, lại còn dùng màu đỏ và xanh chấm phá trên chữ, khiến cho mỗi nét vạch đều mọc lông vũ như cánh chim. Sau đó bà còn dừng chân trước cửa hàng vẽ chân dung bằng máy tính. Đó chẳng qua là chuyển hình phác thảo của khách lên máy tính, sau đó in ra. Bà xem đi xem lại, rồi quay đầu nhoẻn miệng cười với Lộc Trường Tư. Bà khâm phục và lấy làm thú vị, chẳng khác gì bà vừa được xem nghệ sĩ ba lê người Nga Ulanôva biểu diễn. Nụ cười thuần khiết ấy khiến ông như được tắm nước cam lồ, thậm chí sự ồn ào của đám đông và hoàn cảnh xung quanh cũng được lắng đi rất nhiều. Ông vừa mới nghĩ, cô tiểu thư quá lứa họ Trịnh này thật ngây thơ và nhẹ dạ. Nếu là ông, ông không bao giờ chịu chen chúc trong không khí hôi hám, bẩn thỉu với toàn hàng kém chất lượng và giả mạo này. Ông nghĩ, nhân cơ hội cùng đi tản bộ với nhau hôm nay, ông nhất định phải kể câu chuyện của Tiểu Chu cho bà biết và đề nghị bà nói lại cho con trai bà biết, không để cho một kẻ có nhiều dã tâm và không từ một thủ đoạn nào như Tiểu Chu luồn vào chỗ sơ hở của chúng ta...

Nhưng ông chưa kịp nói ra, ông không muốn làm tan biến nụ cười của một người đàn bà tuy tóc đã hoa râm nhưng hình dáng vẫn yểu điệu và để tâm ăn vận rất trang nhã này. ở ve áo của bà có gài một bông hoa, là hoa hạo cơ. Đó là một bông hoa thật, vào mùa hoa nở thì rót vàng lên, làm cho đóa hoa tươi tắn ngưng đọng thành một đồ trang sức bằng vàng, mãi mãi để lại cho ngày sau không bao giờ tàn úa. Ông biết loại trang sức đó được sản xuất từ Singapo và Malaixia. Có lẽ những buổi dạ yến mới thích hợp đeo đồ trang sức bé nhỏ này. Đủ biết bà coi trọng biết bao buổi tản bộ hôm nay.

- Người bây giờ thật đúng là hay!... Hai mươi năm trước tôi đến đây rồi. Hồi “đại cách mạng văn hóa”, tỉnh này làm dữ nhất, một đêm giết đến mấy chục người trong gia đình địa chủ và phú nông. Khi giở vũ lực ra đấu nhau, họ dùng đến cả pháo cao xạ và mìn tự tạo. - Bà nói và lè lưỡi, dường như không chịu nổi đau khổ.

Lộc Trường Tư im lặng. Đây là những nỗi đau ghi lòng tạc dạ. Ông nghĩ đến vợ, bà ra đi đúng vào những năm đó. Bà có đôi lông mày nhỏ mướt, lòng bàn tay bà thường nóng ấm. Bà thích ăn củ cải khô trộn với đỗ quả non, bà bảo bà cầm tinh con thỏ[1]. Bà nói giọng hơi khàn, khi nói gấp thì có tiếng chíu chít, không giống thỏ mà giống con chim sẻ. Bà thích đọc thuộc lòng bài Hải yến của Gorki: “Gió bão hãy nổi lên dữ dội hơn đi!...”. Và bà đã bị gió bão không hiểu ra sao cuốn đi mất!

Bão tố, hòa bình, bão tố, hòa bình!

- Chị thích sống cuộc sống như thế nào? - Ông hàm hồ hỏi đánh độp.

- Rất tốt, trời hửng sau mưa là đẹp nhất. Mùa xuân càng đẹp hơn. Rất tốt! - Trịnh Mai Linh nói không cần nghĩ ngợi, nụ cười vẫn rực rỡ như bầu trời, niềm vui mừng bừng sáng như ánh sáng xuân.

Bà cảm thấy bây giờ vẫn còn gọi được là mùa xuân, còn Lộc Trường Tư cảm thấy đã sang đầu mùa hạ.

Ông nhớ tới buổi ngâm thơ trong cuộc liên hoan năm 1958. Họ ca tụng ánh đèn Matxcơva sáng hơn sao trên trời, còn ngôi sao đỏ trên điện Kremlin chiếu sáng toàn thế giới. Đó là buổi ca tụng và hướng về Liên Xô cuối cùng trong đời ông, sau đó thời thanh niên của ông rẽ sang đường khác với Liên Xô. Họ và Liên Xô biến bạn thành thù. Tất cả mọi chuyện đó xảy ra sau buổi ngâm thơ của họ. Trong buổi ngâm thơ ấy, cuối cùng hai người - ông và bà - đã “song ngâm” rất sôi nổi, hơn nữa hai người đều giơ tay phải lên chỉ về phía trước, chẳng khác gì những vị nguyên soái duyệt đội lục quân. Họ đều nhìn thấy ánh sáng thế kỷ mới do Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở đường.

Nhưng tại sao, tại sao Trịnh Mai Linh lại lấy một ông già? Ông không sao tin được một cô gái thon thả xinh đẹp, ngâm thơ rất hay như bà lại ham hố cấp bậc của một người lớn hơn bà đến mười bảy tuổi. Ông tin rằng bà phải là một người con được nuông chiều sinh hư, thích làm theo ý mình chứ không để cho mình bị khuất phục. Lần này ông mới biết “ông xã” của bà đã mất ba năm nay rồi. Người ấy là Bí thư đảng ủy ở một nhà máy quốc doanh lớn, ngang với cấp Thứ trưởng. Tiếc rằng trong cuộc “cáo giác, phê phán và kiểm tra” sau khi “cách mạng văn hóa” kết thúc, ông ta gặp chuyện phiền toái, nên ấm ức buồn rầu đến hơn mười năm. Có đến bảy năm trời, hoặc lâu hơn nữa, toàn bộ trọng tâm cuộc sống hàng ngày của bà là chăm sóc người chồng ốm liệt giường không dậy được. Trước ngày Tết hàng năm, bà đều dự buổi họp mặt các đồng chí lão thành do Vụ tổ chức và quân khu triệu tập. Bà nói trong buổi họp mặt thân mật ấy, bà đã trông thấy hiệu trưởng họ Lộc. Nhưng sao bà lại không hề gọi ông? Những buổi họp mặt ấy có rất đông người tham gia. Đúng vậy, những bậc khai quốc công thần của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều đã già. Ông lẳng lặng liếc nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của bà. Khuôn mặt ấy hơi xanh xao và ông thấy đau lòng.

Xem Thêm Nội Dung