Hoàng đế nội kinh (Quyển 1: Từ thiên 1 đến thiên 9)

Hoàng đế nội kinh (Quyển 1: Từ thiên 1 đến thiên 9)

Dịch giả: Chơn Nguyên
Nhà xuất bản: Lao Động
Nhà phát hành: Thái hà
Hình thức bìa: mềm
Kích thước 16 x 24 cm
Cân nặng: 1,500 (gram)
Năm xuất bản: 2018
Hết hàng
Giá bìa: 400,000 đ

 

 

 

Ai cũng biết Hoàng Đế nội kinh là tác phẩm kinh điển của nền y học Đông phương và là quyển sách gối đầu giường của các bậc danh y từ cổ chí kim. Thế nhưng, số người hiểu rõ và hiểu sâu những giá trị thâm thúy của tác phẩm này thì lại rất ít. Một công trình dịch thuật và bình giảng có quy mô luôn là niềm mong đợi của những nhà nghiên cứu y học Đông phương trong quá trình khám chữa bệnh và giảng dạy.

 

Hiểu rõ điều đó, sau thời gian dài tìm kiếm phần thất lạc, chỉnh sửa khó khăn, nhờ sự động viên hỗ trợ cả công sức, tài lực, vật lực quí báu từ các môn sinh của lớp Văn Hiến Y Đạo do cố Hòa thượng Thích Minh Thiền sáng lập. Nay soạn giả Chơn Nguyên đã hoàn thành quyển sách và đưa ra xuất bản. Sách gồm 9 quyển, trong đó có 81 thiên, trong mỗi thiên được chia ra làm nhiều đoạn. Mỗi đoạn trong các thiên đều trình bày theo hệ thống: Phiên âm – Dịch nghĩa – Chú thích – Bình giải. Những cuộc đối thoại, hỏi đáp giữa vua Huỳnh đế và ngự y Kỳ Bá trong cuốn sách sẽ cung cấp cho độc giả cách tùy thuận với khí hậu bốn mùa để điều ngự tinh thần, nhấn mạnh “sanh khí của loài người cùng với vạn vật và trật tự thiên nhiên vốn đồng nhất”, làm sao cho “âm dương trong con người luôn luôn phải ứng hợp với âm dương ngoài trời đất”,…

Mục lục:

Lời tựa

Huỳnh đế Nội kinh Tố vấn Linh khu hiệp sáng lời mở đầu hiệp chú

Buổi nói chuyện để dọn đường cho cuộc san định Nội kinh

Lời mở đầu

Thiên thứ nhứt: Thượng cổ thiên chơn luận

Thiên thứ hai: Tứ khí điều thần đại luận

Thiên thứ ba: Sanh khí thông thiên luận

Thiên thứ tư: Kim quỹ chơn ngôn luận

Thiên thứ năm: Âm dương ứng tượng đại luận

Thiên thứ sáu: Âm dương ly hợp luận

Thiên thứ bảy: Âm dương biệt luận

Thiên thứ tám: Linh Lan bí điển luận

Thiên thứ chín: Lục tiết tạng tượng luận

 

Định nghĩa tên thiên:

Căn cứ vào ý nghĩa toàn thiên, ta thấy đây là một thiên mở đầu của NỘI KINH TỐ VẤN, mà trong đó luận giả bắt từ chỗ đứng của thế hệ mình ngược về thế hệ xa xưa, để đàm luận về tinh thần cuộc sống thiên nhiên chơn thật thuần phác của người xưa, hầu mở màn cho một nền tảng siêu văn hóa, siêu giáo dục. Cho nên gọi là “Thượng Cổ Thiên Chơn Luận”.

 

ĐOẠN 1:

 

Phiên âm:

Tích tại Huỳnh Đế, sanh nhi thần linh, nhược nhi năng ngôn, ấu nhi tuần tề, trưởng nhi đôn mẩn, thành nhi đăng thiên.

 

Dịch:

Truyền rằng vua Huỳnh Đế(1) xưa, khi mới sanh có nhiều điềm lạ, còn nhỏ sớm biết nói, tuổi còn thơ đã sớm thông minh chững chạc, lớn lên vô cùng sáng suốt, về già thì quy thiên(2).

 
Chú thích:
 

 

(1)   Huỳnh Đế: Nguyên vua Huỳnh Đế là con nhà họ Cơ, lúc mới sanh bà mẹ sanh ở đồi Hiên Viên; khi sanh ra có những đặc tánh thuộc Thổ, do đó mà đặt tên là Hiên Viên. Bởi vậy lớn lên khi ông làm vua mới nương nơi đó mà lấy hiệu là Huỳnh Đế. Vì chữ Huỳnh là màu vàng, màu vàng theo tinh thần Trung Hoa lại là thuộc Thổ, là điều hòa, là sanh sôi. Vả lại tinh thần của ông lại thích về che chở và giáo dưỡng muôn dân, cũng như quả địa cầu che chở cho vạn vật sanh sôi. Nên lấy hiệu như thế.
 
(2)   Quy thiên: Hai chữ quy thiên ở đây nghĩa là trở về với thiên nhiên.
 
 
 

Bình:

 

Không cần nương theo chú thích của người Trung Hoa sau, ta chỉ cần buông tâm hồn nhập vào với cổ nhơn mà đọc lên câu thứ nhất giới thiệu đại lược về cuộc sống của Huỳnh Đế, mang máng ta thấy trước mắt ta một khí tượng tinh thần của cổ Trung Hoa về thánh hiền như sau: Con người từ trật tự thiên nhiên mà xuất hiện, rồi tham gia vào cuộc vận hành của trật tự thiên nhiên, để vừa giúp cho trật tự thiên nhiên được sáng tỏ, rồi cuối cùng trở về gia nhập vào với trật tự thiên nhiên đồng nhất không chướng ngại; tựa hồ như một cái nhân gắm xuống đất nứt lên thành cây, rồi cây phát triển sum sê, rồi đơm hoa kết quả, trái chín mùi đúng theo trật tự thiên nhiên mà rơi trở về với lòng đất.

Một cuộc sống mà chính mình là trật tự thiên nhiên để hiển dương nguyên lý trật tự thiên nhiên, như thế không phải là Đạo chứ gì. Chỗ đó có gọi là quy thiên, hay thăng thiên, hay đồng nhất với thiên nhiên, hay chính người đó là thiên nhiên cũng chả sao.

Nội tinh thần của câu thứ nhất trên đây cũng đủ cho chúng ta suy tư phản tỉnh…

 

ĐOẠN 2:

 

Phiên âm:

Nải vấn vu thiên sư viết: dư văn thượng cổ chi nhơn, xuân thu giai độ bá tuế, nhi động tác bất suy; Kim thời chi nhơn, niên bán bá nhi động tác giai suy giả, thời thế dị da, nhơn tương thất chi da?

 

Dịch:

Một hôm vua nhân hỏi Thiên Sư(1) rằng: Trẫm nghe người thời thượng cổ(2) đều sống quá trăm tuổi mà sinh hoạt vẫn còn mạnh mẽ như thường. Người nay tuổi mới 50 mà sức khỏe đều đã suy giảm; đó là lỗi ở thời thế hay ở người?

 

 

Chú thích:

 

(1)   Thiên Sư: Là danh từ tước hiệu của Huỳnh Đế gọi tôn Kỳ Bá cũng như danh Quốc sư sau nầy chẳng hạn. Trong đó có hàm chứa để ám chỉ cho một tinh thần sáng suốt có thể giúp cho việc tế thế an bang.

(2)   Thượng cổ: Hai chữ thượng cổ ở đây là đứng ngay ở thế hệ của Huỳnh Đế mà ngược dòng trông về thời đại xa xưa.

 

 

Bình:

 

Ta cứ đứng ngay ở thế hệ của ta bây giờ, mà nhìn ngược dòng thời gian chỉ độ trong một thế kỷ thôi cũng đủ thấy rõ con người càng qua một giai đoạn lịch sử tuổi thọ càng giảm đi, điều nầy hiển nhiên ai cũng thấy. Vậy nên nhà vua đưa ra ý thắc mắc để hỏi Kỳ Bá là phải. Nhưng có một điều ta nên lưu ý, vậy nhà vua hỏi cho nhà vua, hay ông thay thế cho chúng ta bây giờ mà hỏi. Điều này phải theo dõi đến sau cùng không nên sơ hở.

 

Thêm nữa hiện tượng lịch sử con người càng lâu, tuổi thọ càng mất. Như vậy là lỗi ở thiên nhiên hay ở chính con người? Điểm này cũng không kém quan trọng. Nếu có xê dịch được thì không thể đổ cho ai, hoặc một đấng chủ tể nào. Nếu có đấng chủ tể, có nơi để ta đổ thì không thể xê dịch. Vậy lí do từ đâu, ta hãy theo dõi. 

 

 

Xem Thêm Nội Dung