Mỗi ngày một trò chơi - 365 trò chơi đơn giản dành cho bé từ 1-3 tuổi

Cập nhật lần cuối lúc 22h:41, ngày 4/1/2015.

SÁCH SẮP PHÁT HÀNH - NHẮN TIN ĐỂ GIỮ SÁCH KHI PHÁT HÀNH: 0987 64 3939

 

 

“Con trẻ là sợi dây gắn kết người mẹ với cuộc đời.”

 

- Sophocles 

 

Tôi bắt đầu viết cuốn sách The Toddler’s Busy Book khi bé út Johanna bắt đầu bước vào giai đoạn tập đi. Bé tập đi từng bước rồi biết chạy chỉ vài tháng trước khi đến sinh nhật đầu tiên, và kể từ lúc đó bé đi không ngừng! Sau ba lần trải qua những thách thức trong giai đoạn nuôi trẻ sơ sinh/ trẻ tập đi/ trẻ mẫu giáo với các anh chị lớn của Johanna, tôi chợt quên nỗi gian nan khi nuôi dạy một em bé mới biết đi, nhất là một em bé cực kì hiếu động!

 

Nhưng tôi cũng vô cùng sung sướng khi thấy bé lớn lên theo từng giai đoạn của những tháng ngày chậm chững tập đi rồi biết đi vững. Trước khi biết bò và biết đi, bé chỉ biết ngồi một chỗ nơi bé được đặt. Thế mà giờ đây, chỉ vài tháng sau đó, bé hồ hởi đi khám phá xung quanh ngôi nhà. Thật vui biết bao khi thấy bé quấy rầy anh chị lớn, bắt chước ba mẹ, hay khi bé bắt đầu với các trò chơi giả vờ, ví dụ như khi bé vỗ bé “em bé”, hay khi tôi nhận thấy nét mặt đầy xúc cảm của bé khi bé thấy người khác khóc, hay khi bé thể hiện sự biết chia sẻ bằng cách cho chú mèo nhỏ ăn một chút bánh của mình!

 

Giai đoạn bé tập đi là giai đoạn tuyệt vời trong cuộc đời trẻ và cha mẹ, và bạn sẽ thích thú hơn nữa với giai đoạn này nếu bạn chuẩn bị tinh thần để giảm chậm nhịp sống hơn một chút; hãy ngồi trên sàn nhà nhiều hơn và chỉ dọn dẹp đồ chơi của con vào buổi tối, khi con đã đi ngủ. Hãy sắp xếp không gian trong nhà thành khu vui chơi an toàn, lý thú cho con khám phá. Hãy thường xuyên cho con làm quen với những con người mới, địa điểm mới, trải nghiệm mới. Hãy nâng cao tinh thần phiêu lưu và nhìn thế giới xung quanh qua đôi mắt của con, vì con đang bắt đầu khám phá ra những điều kì diệu của thế giới này.

 

The Toddler’s busy book sẽ giúp bạn tận hưởng niềm vui của những năm đầu đời bé tập đi và biết đi. Cuốn sách sẽ giúp bạn khơi dậy sự hào hứng của trẻ bằng những ý tưởng đơn giản, thú vị mà ngay cả những ông bố bà mẹ bận rộn nhất, hay những bảo mẫu chăm sóc trẻ, đều có thể thực hiện được. Cuốn sách bao gồm các gợi ý dành cho nhiều tình huống: hoạt động trong nhà hay ngoài trời, dù hè hay đông, vào những lúc yên tĩnh hay bận rộn. Tôi viết cuốn sách này dành tặng các cha mẹ ở nhà trông con, nhưng cuốn sách cũng rất hợp với những ai có một em bé mới biết đi trong nhà: các bà mẹ, các ông bố, ông bà, dì, cậu, chú, người trông trẻ, giáo viên mầm non, các tu sĩ hoặc người chủ trò của nhóm trẻ mẫu giáo. Nếu bạn dành chút thời gian nào đó cho một đứa trẻ mới biết đi, vậy thì cuốn sách này dành cho bạn đấy!

 

Mặc dù rất nhiều trong số các ý tưởng trong cuốn sách The Toddler’s busy book có thể sẽ khiến trẻ thích thú sau giai đoạn mới biết đi, nhưng các hoạt động này phù hợp nhất cho trẻ từ một đến ba tuổi. Do khả năng của các trẻ ở độ tuổi này có nhiều khác biệt nên một số ý tưởng hoạt động có vẻ quá mức so với trẻ một tuổi, trong khi một số ý tưởng khác lại quá dễ so với trẻ ba tuổi. Hãy vận dụng khả năng đánh giá để lựa chọn hoạt động phù hợp nhất với khả năng và sở thích của con. Bạn không nên từ bỏ ngay nếu một số hoạt động chưa đem lại hiệu quả như mong đợi; hãy thử lại các hoạt động đó vào tuần sau, tháng sau hoặc năm sau, hoặc thay đổi hoạt động sao cho hoạt động đó tạo nhiều ý nghĩa và thú vị hơn cho con.

 

Tôi thực sự thích thú khi được trải nghiệm lại giai đoạn tập đi của con thêm lần nữa khi đứa con đầu lòng đã bước vào độ tuổi thanh niên. Kinh nghiệm nuôi ba đứa con đã giúp tôi trân trọng sự ngắn ngủi của những năm thơ ấu đầu đời – tôi đã không có được sự trân trọng đó cách đây mười năm, khi đứa con đầu lòng hãy là một đứa trẻ mới biết đi. Mặc dù hồi đó, dường như đám trẻ nhà tôi không chịu lớn, nhưng thực ra tất cả chúng đều lớn lên từng ngày, và con bạn cũng vậy. Rồi sẽ đến lúc tã và bỉm chỉ là chuyện của ngày hôm qua; nào bình sữa, núm vú cao su, chậu tắm phủ kín đồ chơi, những giấc ngủ ngắn buổi chiều, những ngón tay dính bẩn… và rất nhiều những dấu ấn riêng trong giai đoạn bé tập đi sẽ trở thành chuyện quá khứ mà thôi.

 

 

Mỗi giai đoạn trong thời thơ ấu của trẻ đều đem lại những thách thức và niềm vui đặc biệt. Sẽ có những ngày bạn sung sướng hơn hẳn, nhưng sẽ có những ngày bạn sẽ chỉ mong mau mau hết ngày. Mô hình này không thay đổi đâu nhé, bất kể con bạn bao nhiêu tuổi đi nữa! Tôi hi vọng bạn sẽ yêu thương con vô điều kiện, biết cách vận dụng khiếu hài hước và tận hưởng những năm bé mới biết đi - vì giống như dấu tay của con trên tường- tháng ngày đó sẽ trôi qua trước khi bạn kịp nhận thấy đấy.

 

 TỔ CHỨC TRÒ CHƠI CHO TRẺ MỚI BIẾT ĐI

 

 

Trong nhiều trường hợp, trẻ mới biết đi biết tự chơi nếu được cho các vật liệu phù hợp. Mặc dù bạn phải liên tục để mắt đến con nhưng bạn có thể cung cấp các vật liệu cho con nhằm khuyến khích con chơi sáng tạo và độc lập. Bước đầu tiên là hãy đảm bảo ngôi nhà bạn hoàn toàn an toàn cho trẻ mới biết đi. Tiền xu và hạt cườm thường hấp dẫn trẻ nhưng có thể gây nguy cơ nghẹn nếu trẻ nuốt. Hãy đảm bảo các món đồ nguy hiểm đó ở ngoài tầm với của trẻ - đây quả là một nhiệm vụ khó khăn nếu nhà bạn có một trẻ lớn hơn.

 

Những gợi ý tiếp theo sẽ giúp bạn tổ chức ngôi nhà tốt hơn để đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của một em bé mới biết đi. Nếu bạn đã đọc cuốn The Preschooler’s busy book (Tạm dịch: Giúp trẻ mầm non luôn bận rộn) có thể bạn sẽ nhận thấy một số các ý tưởng (các ý tưởng này đã được chỉnh sửa cho phù hợp với trẻ mới biết đi.)

 

Cất hộp dụng cụ làm bánh trong bếp

 

Vừa nấu bếp vừa để mắt trông chừng một em bé mới biết đi là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Có lúc em bé một tuổi bằng lòng ngồi trên ghế cao hoặc ngồi trên chiếc bàn nhỏ với một vài món đồ chơi hoặc chút đồ ăn trong khi mẹ đun nấu. Nhưng sẽ có lúc bé chỉ muốn được bấu rịt lấy mẹ và theo chân mẹ làm mọi việc. Chạn và ngăn kéo tủ bếp đựng đầy những thứ khiến trẻ không thể cưỡng lại được. 

 

Vậy thì tại sao bạn không chuẩn bị cho trẻ Hộp dụng cụ làm bánh riêng nhỉ? Hãy đặt vào hộp các dụng cụ làm bếp không thể vỡ trong rổ nhựa hoặc một chiếc hộp nhỏ. Hãy cất hộp vào ngăn chạn vừa tầm với của con. Bé có thể chơi với các dụng cụ này, hoặc giúp bạn nấu nướng hoặc làm bánh. Hộp dụng cụ làm bánh có thể bao gồm:

Chảo nướng bánh

Giá đựng bánh

Dụng cụ cắt bánh quy

Giấy lót bánh

Bát nhựa hoặc bát nhôm to

Thìa đong nước

Khay làm bánh

Đĩa đựng bánh

Cốc nhựa

Xẻng cao su để lật bánh

Thìa gỗ

 

Chuẩn bị sẵn Hộp đồ chơi cho bé

 

Mỗi ngày chúng ta dành rất nhiều thời gian trong bếp, vì vậy một ngăn chạn bếp trống và vừa tầm với của con chính là nơi lý tưởng để bé cất Hộp Đồ chơi của mình - một chiếc hộp hoặc rổ nhựa đựng các món đồ mà bé có chơi mọi lúc, mọi nơi. Trẻ lớn hơn sẽ rất thích các món đồ chơi trong Hộp: bút chì màu, bút nhớ dòng, sách màu, giấy, băng dính, giấy dán, kéo, hồ dán, giấy thấm mực và tem, bột nặn… Nhưng chọn đồ chơi để cho vào Hộp đồ chơi cho trẻ mới biết đi sẽ khó khăn hơn nhiều. Chắc chắn chúng ta không muốn em bé một tuổi chơi băng dính và bút nhớ dòng nếu không có sự trông coi cẩn thận của người lớn.

 

Các món đồ trong Hộp đồ chơi phải đảm bảo an toàn cho trẻ mới biết đi khi bé chơi mà người lớn không cần phải giám sát sít sao, và các món đồ đó không nên tạo ra mớ bòng bong (ít nhất là cũng không bừa bộn quá.) Bạn hãy thử để ý xem em bé của bạn thích thứ gì và cho thứ đó vào hộp. Ví dụ, nếu bé thích chơi với chai và nắp nhựa, hãy đặt một vài chai nhựa vào hộp (hãy đảm bảo kích thước nắp chai sẽ khiến bé không thể cho vào miệng nuốt.) Hầu hết trẻ mới biết đi đều thích được xây xây đắp đắp, vì vậy hãy đặt vài món đồ hình khối vào hộp, ví dụ như vỏ hộp ngũ cốc, ống chỉ, vỏ hộp sữa chua và lõi cuộn giấy vệ sinh.

 

Rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách này phù hợp với Hộp đồ chơi của em bé mới biết đi của bạn. Ví dụ trong chương 2, bạn sẽ thấy các ý tưởng vui chơi thú vị như Diễn viên bị dính chân.

 

Phần lớn trẻ đều thích chơi trò nào đó nhưng trẻ sẽ quan tâm và ham mê khám phá trò chơi mới. Chỉ cần bạn thay đổi các món đồ trong Hộp đồ chơi của trẻ, trẻ sẽ luôn luôn nhận thấy điều mới lạ và thú vị, giúp bé vui vẻ và luôn bận chân bận tay.

 

Thùng hành lý vui vui

 

Thùng hành lý vui vui đựng đầy quần áo và người nhựa sẽ không chỉ thôi thúc trẻ sáng tạo các vở kịch mà còn khiến trẻ say mê với những điều thú vị trong thùng. Hãy cho quần áo người lớn, giầy dép, mũ, khăn, găng tay và đồ trang sức vào thùng, hộp đồ chơi, túi nhựa lớn hoặc thùng các-tông để bé tập mặc đồ cho người nhựa. Bạn cũng có thể cho vào thùng những bộ quần áo cũ, váy kiểu Hawai, áo vét, mũ chơi bóng chày, váy phù dâu, bộ đồ ngủ, tóc giả, ủng, dép bông đi trong nhà và cả ví nữa. Bạn có thể mua các món đồ này với giá cực rẻ tại cửa hàng đồ cũ, hoặc mua áo choàng công chúa, quần áo cho động vật tại các cửa hàng giảm giá sau ngày lễ hội hóa trang.

 

Trẻ mới biết đi có thể gặp rắc rối khi nghịch khóa kéo và những chiếc cúc nhỏ, vì vậy hãy nhớ thay miếng dán velcro hoặc thay cúc nhỏ bằng cúc to để những ngón tay nhỏ xinh của bé dễ dàng nắm được.

 

Thùng hành lý vui vui đựng đầy quần áo sẽ là một trong những đồ chơi thú vị nhất mà bạn có thể đem đến cho con. Con sẽ rất thích thú và luôn bận rộn cởi và mặc quần áo cho người nhựa, và biết đâu thùng hành lý đo cũng chính là một phần vô giá trong vai diễn của con trong vở kịch nhiều năm sau đó.

 

Hộp đồ chơi dành cho ngày mưa

 

Trông nom trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo cả ngày có thể khiến bạn cảm thấy một ngày thật là dài, nhưng những ngày mưa có vẻ dài hơn rất nhiều. Khi thời tiết xấu hoặc khi con bệnh, Hộp đồ chơi dành cho ngày mưa có thể phá vỡ sự buồn tẻ. Các món đồ thú vị trong Hộp bao gồm:

 

Các món đồ mỹ nghệ mới (miếng hút ẩm, bút nhớ, hộp thuốc màu, giấy dán hoặc bột nặn)

Món đồ chơi mới (hoặc món đồ mà một thời gian rồi bé không chơi đến)

Một cuốn sách, băng nhạc hoặc cuộn phim mới

Các món đồ hóa trang đặc biệt

Các mảnh ghép và bảng hướng dẫn bé chơi trò chơi mới (hãy lắp sẵn các mảnh ghép với nhau, cho vào túi nhựa trong và đặt sẵn vào Hộp đồ chơi cho ngày mưa.)

Bạn đừng lạm dụng Hộp đồ chơi trong ngày mưa nhéBé sẽ chỉ ham thích hộp đồ chơi này nếu hộp xuất hiện trong những dịp thật đặc biệt. Hãy cất hộp đồ chơi vào nơi an toàn và chỉ mang ra cho con chơi nếu bạn nhận thấy ngày hôm đó dài lê thê.

Mục lục:

 

Giới thiệu

 

Chương 1: Giúp tôi với! Nhà tôi có một đứa trẻ mới biết đi!

 

Tổ chức trò chơi cho bé 1 đến 3 tuổi

Lên kế hoạch cho các hoạt động

Tích trữ tủ đồ chơi thủ công

Ti vi thì sao nhỉ?

Lời động viên

Lập kế hoạch hoạt động hàng tuần

 

Chương 2 Trò chơi ngày mưa

 

Chương 3 Trẻ nhỏ trong phòng bếp

 

Chương 4 Trò chơi với nước

 

Chương 5 Những cuộc phiêu lưu ngoài trời

 

Chương 6 Vòng quanh phố phường

 

Chương 7 Bài hát dành cho tuổi mầm non và trò chơi với bàn tay

 

Chương 8 Vừa học vừa chơi

 

Chương 9 Vừa nhảy vừa hát

 

Chương 10 Đồ chơi thủ công mỹ nghệ

 

Bé với cây bút

Bé vẽ

Bé in dấu vân tay

Bé xé, phết keo và dán

Đồ chơi thủ công và nhiều món đồ thú vị nữa…

 

Chương 11 Ngày sinh nhật và các kì nghỉ

Tổ chức sinh nhật

Ngày lễ Tình nhân

Ngày lễ Thánh Patrick

Ngày lễ Phục sinh

Ngày độc lập

Lễ hội hóa trang Halloween

Ngày lễ Tạ ơn

Lễ hội tám ngày

Lễ Kwanzaa

 

Phụ lục

Phụ lục A: Nội dung cơ bản

Cách thức làm đồ chơi thủ công

Sơn

Bột nhào cho bé chơi

Đất nặn

Hồ dán 

Đồ trang trí

Phụ lục B: Các hoạt động với lon, hộp

Phụ lục C: Những đồ chơi tốt nhất cho các em bé nhỏ và bé mới biết đi

Phụ lục D: Sách hay dành cho các em bé và bé mới biết đi

Phụ lục E: Nguồn tham khảo

Bảng chú dẫn